Cũng như nhân dân cả nước, người Bạc Liêu dù ở bất kỳ hoàn cảnh, cương vị nào, hình ảnh Bác vừa thiêng liêng vừa gần gũi, là niềm tự hào với tình yêu thương vô hạn. Mỗi việc Bác làm cho dân, cho nước luôn là tấm gương để mọi người hàng ngày học tập, noi theo và Cụ Hồ luôn ở giữa lòng dân.
Bà Nguyễn Thị Thạnh, 52 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) thời kháng chiến chống Mỹ, nhớ lại: "Trong đấu tranh hy sinh gian khổ, hình ảnh Cụ Hồ sống trong lòng dân Châu Thới bằng một niềm tin mãnh liệt. Bà con ta tin vào Cụ Hồ như tin vào chân lý. Trong hoàn cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến, nhờ có niềm tin đó mà vượt qua được những khó khăn, thử thách một cách phi thường."
Niềm tin ấy đã giúp bà Thạnh cũng như những người dân nơi đây tuyệt đối trung thành với cách mạng, đi theo lý tưởng mà Cụ Hồ đã chọn. Bà Thạnh cho biết dù trong hoàn cảnh nào bà cũng luôn tìm cách cất giấu tấm hình Bác ở bên mình, vì từ ngày có hình Bác, bà cảm thấy vững tin hơn, để phục vụ cách mạng.
Ngày Cụ Hồ mất, Đảng bộ và quân dân xã Châu Thới đã làm lễ truy điệu Bác. Mọi người nuốt nước mắt, biến đau thương thành hành động cách mạng, cùng nhau lập đền thờ Bác để sớm hôm hương khói cho người và kiên cường chiến đấu giữ gìn đền thờ Bác Hồ ngay giữa lòng địch cho đến ngày toàn thắng.
Ngày nay, tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương, nhân dân Châu Thới đang nỗ lực vươn lên để chiến thắng cái nghèo, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc, thực hiện điều mong muốn của Bác lúc sinh thời. Nhớ ơn Bác, mỗi người đang nỗ lực quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Đền thờ Bác ngày nay là di tích lịch sử cấp Quốc gia và là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, khách ở phương xa đến Bạc Liêu cũng đều đến đây để chiêm bái.
Theo ông Võ Minh Quân, Bí thư Chi bộ ấp 18 (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình), càng kính yêu và nhớ ơn Bác, bản thân người đảng viên càng phải nêu cao ý thức trách nhiệm và phải nỗ lực thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Vì vậy, Chi bộ ấp 18 do ông làm Bí thư đã trở thành một trong những tập thể được chọn báo cáo điển hình tại hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện Hòa Bình vì có nhiều công trình, phần việc cụ thể, thiết thực. Đó là cất nhà tình thương cho hộ nghèo, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đóng góp quỹ an sinh xã hội, xây cầu giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy nông nội đồng, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp. Tổng số tiền vận động cho các việc làm có ý nghĩa này gần 135 triệu đồng.
Ấp 18 những năm gần đây đã trở thành ấp điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của xã và huyện. Chi bộ ấp được công nhận trong sạch vững mạnh 5 năm liền.
Với ông Lâm Kim Lịa, người dân tộc Khmer, Bí thư Chi bộ ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), hình ảnh Bác luôn là tấm gương để ông học tập hàng ngày, hoàn thành trách nhiệm của một người đảng viên đối với nhân dân. Vì vậy, trong 12 năm làm Bí thư chi bộ ấp, ông Lịa luôn được nhân dân tín nhiệm. Ông còn là tấm gương điển hình của xã trong việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng như trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở địa phương.
Với tấm lòng kính yêu Bác Hồ, bà Ngô Thị Ại, Trưởng ấp Cả Vĩnh (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) nhận thức rằng càng kính yêu Bác bao nhiêu bà càng phải thấm nhuần và ra sức thực hiện từng lời dạy của Bác, dù khó khăn đến đâu cũng phải thể hiện được vai trò trong việc thực hiện “nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”
Một trong những việc đột phá được nữ Trưởng ấp này xác định đối với ấp Cả Vĩnh là tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân bà cũng tham gia vận động quỹ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, hướng dẫn bà con sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả.
Bà thường xuyên đến từng hộ dân để tìm hiểu hoàn cảnh, chọn cách tuyên truyền nhằm giúp bà con trong ấp hiểu được tầm quan trọng của đồng vốn, từ đó sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của ấp còn 17 hộ, chiếm 5,6%; hộ khá, giàu là 32%, tăng gần 7% so với thời điểm năm 2014; số còn lại là hộ có mức thu nhập trung bình.
Người Bạc Liêu, không kể dân tộc, thành phần, cương vị, từ ngày chiến tranh gian khổ đến khi chung tay xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đều có chung một tấm lòng kính yêu Bác Hồ. Và tấm lòng ấy sẽ vẫn son sắt đến tận mai sau./.