Người dân Argentina đòi tăng lương sau khi phá giá đồng nội tệ

Tổng Liên đoàn Lao động Argentina đã yêu cầu chính phủ mới chi thêm một khoản tiền tương đương 220 USD cho mỗi người lao động trong bối cảnh đồng peso mất giá do quyết định dỡ ỏ trần tỷ giá hối đoái.
Người dân Argentina đòi tăng lương sau khi phá giá đồng nội tệ ảnh 1Hai người đàn ông, một tay cầm biểu ngữ "mất giá = điên rồ," trong một cuộc biểu tình chống lại các biện pháp kinh tế chủ tịch Mauricio Macri. (Nguồn: AP)

Ngày 19/12, căng thẳng giữa Chính phủ của tân Tổng thống Maurico Macri và Tổng Liên đoàn Lao động Argentina (CGT) đã gia tăng khi tổ chức đại diện cho người lao động này yêu cầu chi bổ sung lương cuối năm do chính phủ mới quyết định thả nổi đồng nội tệ hôm 16/12, khiến đồng đồng peso mất giá tới hơn 30%.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thư ký CGT Hugo Moyano đã yêu cầu chính phủ mới chi thêm một khoản tiền tương đương 220 USD cho mỗi người lao động trong bối cảnh cuối năm giá cả tăng và đồng peso bị mất giá đáng kể do quyết định dỡ bỏ trần tỷ giá hối đoái.

Ông Moyano bày tỏ bất bình vì nhiều bộ trưởng đã bác bỏ yêu cầu chính đáng này của người lao động, đang phải chịu tác động từ những chính sách kinh tế mới rất mạnh tay của chính phủ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Jorge Triaca cho biết việc chi thêm một khoản tiền cuối năm cho người lao động không có trong lộ trình của của chính phủ mới.

Còn theo Bộ trưởng Nông-Công nghiệp Ricardo Buryaile, Chính phủ còn quá nhiều việc phải làm và yêu cầu người lao động chờ đợi, đồng thời cam kết sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc giá cả leo thang.

Quyết định phá giá đồng nội tệ đã được chính phủ mới của Argentina đưa ra bất chấp lo ngại giá cả sẽ leo thang.

Đầu tháng 12, các hãng tư vấn độc lập dự đoán lạm phát của Argentina năm nay sẽ lên tới 25%. Tuy nhiên, từ sau khi phá giá đồng peso, giá cả tiêu dùng đã tăng chóng mặt, và con số này được dự báo sẽ còn cao hơn nhiều.

Trong khi đó, phản ứng của hị trường tiện tệ Argentina được coi là khá tích cực và đã không xảy ra tình trạng “hoảng loạn.” Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ cần giám sát chặt chẽ để hàng hóa không bị tăng giá, vì như vậy, mục đích của chính sách thả nổi đồng tiền sẽ bị phá sản.

CGT là tổ chức công đoàn lớn nhất Argentina, tập hợp 30.000 tổ chức đại diện cho người lao động và với hơn 2,5 triệu công đoàn viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục