Người dân Anh ủng hộ tăng ngân sách quốc phòng

Tỷ lệ người dân Anh ủng hộ việc tăng hoặc ít nhất là không giảm ngân sách cho quốc phòng cao hơn nhiều so với người dân Mỹ.
Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Chính sách Đối ngoại phối hợp với Đại học Essex (Anh) và Đại học bang Georgia của Mỹ thực hiện cho thấy tỷ lệ người dân Anh ủng hộ việc tăng hoặc ít nhất là không giảm ngân sách cho quốc phòng cao hơn nhiều so với người dân Mỹ.

Trong số 2.000 người dân Anh được hỏi ý kiến thì có tới 77% mong muốn tăng chi tiêu ngân sách cho quân sự hoặc ít nhất là giữ nguyên, trong khi đó chỉ có 55% trong số 2.000 người Mỹ được hỏi ý kiến muốn chính phủ duy trì hoặc tăng ngân sách cho quân đội.

Cũng theo cuộc khảo sát, trong khi các chính trị gia Anh rất hăng hái trong việc cắt giảm chi tiêu quân sự thì các chính khách Mỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ lại rất e dè trong vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng vì lo ngại điều này sẽ làm họ không được các cử tri yêu mến.

Số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy ngân sách quốc phòng của Mỹ chiếm tới 4,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, trong khi chi tiêu cho quân sự của Anh chỉ chiếm có 2,6% GDP.

Năm 2011, Mỹ đã chi tới 711 tỷ USD cho quân đội, tương đương với tổng chi tiêu của 17 nước đứng sau Mỹ cộng lại. Ngân sách quốc phòng của Anh năm ngoái là 62,7 tỷ USD, đứng thứ tư trên thế giới.

Hiện Anh đang có kế hoạch cắt giảm 38 tỷ bảng (60 tỷ USD) chi tiêu quân sự trong những năm tới, trong đó có việc cắt giảm 20.000 quân từ 102.000 xuống còn 82.000 quân từ nay đến năm 2020, bằng một nửa so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi đó quân đội Anh có tới 163.000 binh sĩ.

Trong khi đó, Mỹ cũng dự định giảm 487 tỷ USD ngân sách quốc phòng nhưng chủ yếu bằng cách hạn chế tăng chi tiêu chứ không phải thông qua các chương trình cắt giảm ngân sách vốn đã phình to thêm 70% trong thập kỷ vừa qua do nước này tiến hành các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, cũng như do chi phí y tế và lương hưu tăng cao.

Cuộc chiến tại Afghanistan và việc kết thúc từ từ cũng là một vấn đề chính trị nữa trong năm nay đối với cả hai nước ở hai bờ Đại Tây Dương. Cuộc khảo sát cho thấy 24% số người Anh ủng hộ quyết định của chính phủ đưa quân tham chiến tại nước Nam Á này so với 50% số người Mỹ.

Điều đáng chú ý là không có người Anh hay người Mỹ nào muốn quân đội nước mình được sử dụng để chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cả người Anh và người Mỹ đều không nói về vấn đề trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở nước Trung Đông này./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục