Người đã khỏi bệnh COVID-19 là lực lượng chống dịch với nhiều lợi thế

Những kết quả của nghiên cứu cho thấy người đã từng nhiễm COVID-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng những người đã từng mắc COVID-19 thì khó có nguy cơ mắc lại. Do đó, có ý kiến cho rằng, nên trưng dụng những người đã mắc COVID-19 thành lực lượng chống dịch.

Tại Việt Nam đã có những trường hợp như vậy. Đơn cử như chị Lan Hương (39 tuổi, ngụ Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) sau 5 lần xét nghiệm âm tính, ngày 22/7 chị được xuất viện. Thế nhưng, khi biết mình được ra viện, chị Hương đã xin bác sỹ trưởng khoa được ở lại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để chung tay cùng các y bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân già.

Chị Hương cho hay khi thấy mình khỏe dần trong khi bệnh viện dần quá tải, các y tá, điều dưỡng mệt mỏi vì mất ngủ, chị tự nguyện dốc sức chăm người già nơi bệnh viện... 

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VietnamPlus có cuộc trao đổi với bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - chuyên gia trong Tổ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp - để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

[Tiếp tục siết chặt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19]

- Thưa bác sỹ, hiện nay, có thông tin cho rằng những người đã mắc COVID-19 thì khó có khả năng mắc lại. Điều này đã được chứng minh và nghiên cứu chưa?

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp: Bệnh COVID-19 là bệnh lý mới xuất hiện từ cuối năm 2019, nên đến nay các nghiên cứu về khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV2 còn tương đối hạn chế.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp thăm khám, hội chẩn cho bệnh nhân nặng đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Những kết quả của nghiên cứu “Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 – SIREN” tại Anh cho thấy người đã từng nhiễm COVID-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus tới giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.

Một nghiên cứu khác tại Đại học Y Missouri (Mỹ) cũng cho thấy tỷ lệ tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 là 0,7% với thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm, và có thể so sánh với những người đã được tiêm đầy đủ vaccine.

Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.

- Hiện nay, dịch bệnh tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Có ý kiến cho rằng nên trưng dụng những người đã từng mắc COVID-19 tham gia vào công tác phòng chống dịch, để giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế cũng như nhiều lực lượng khác. Ý kiến của bác sỹ về vấn đề này như thế nào?

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp: Như tôi đã nói, theo kết quả nghiên cứu sơ bộ trên thì những người đã từng mắc COVID-19 đã hồi phục hoặc những người thì nguy cơ tái nhiễm lại trong vòng 5 tháng thấp hơn nhiều so với người chưa nhiễm. Do vậy những người này nếu tình nguyện tham gia chống dịch thì sẽ có thể “an toàn” hơn những người chưa nhiễm và chưa được tiêm vaccine đầy đủ.

Thực tế nhiều thầy thuốc không may bị nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tình nguyện điều trị vòng trong ở các khu điều trị bệnh nhân COVID-19 và xung phong thực hiện những thao tác nguy hiểm thay cho các đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, do tỷ lệ mắc lại của những người từng nhiễm COVID-19 dù ít nhưng vẫn có thể xảy ra và vẫn có nguy cơ diễn biến nặng như người mắc lần đầu, nên trong quá trình làm việc, họ vẫn phải đảm bảo các trang bị phòng hộ đầy đủ, tuân thủ các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm và tiêm vaccine bổ sung khi có chỉ định.

- Tại Việt Nam, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 211.630 ca, trong đó có 68.723 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Bác sỹ có nghĩ rằng, thay vì để những người đã khỏi bệnh là lực lượng dự phòng, chúng ta kêu gọi họ - những người đã khoẻ mạnh trở lại tham gia vào công tác phòng chống dịch?

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp: Ngoài nhân viên y tế, công tác phòng chống dịch cần rất nhiều lực lượng hỗ trợ như đảm bảo hậu cần, vận chuyển, hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân…

Chúng tôi cho rằng những người từng nhiễm COVID-19 đã hồi phục, những người đã được tiêm đủ vaccine là những người có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn rất nhiều so với những người chưa nhiễm và chưa tiêm COVID-19.

Do vậy, nếu động viên họ tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch, chúng ta sẽ có lực lượng đông đảo và an toàn hơn để giảm gánh nặng cho các nhân viên y tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 7/8/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Công điện số 1168/CĐ-BYT về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo công điện mới nhất của Bộ Y tế, có nhiều thay đổi liên quan đến công tác quản lý, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 hay các trường hợp cách ly, nhất là ở các nơi đang bùng dịch mạnh.

Cụ thể, các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, xem xét và chỉ đạo thực hiện các giải pháp: Đối với trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế: Cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Đối với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế mà chỉ theo dõi y tế tại nhà.

Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục