Những hình ảnh người trẻ miệt mài bên khung cửi từng là giấc mơ của nhiều người Cơ Tu lớn tuổi ở Quảng Nam, khi mà những nghề truyền thống có thời điểm điểm đã bị làn sóng công nghiệp cuốn đi.
Thế nhưng, bằng sự trăn trở và niềm tự hào dân tộc của một lớp người Cơ Tu, giấc mơ ấy đã dần trở thành hiện thực. Những nghề truyền thống nói riêng và những giá trị văn hóa truyền thống nói chung của cộng đồng dân tộc này đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, giữa núi rừng Tây Trường Sơn.
Đặc sắc trong cách dệt của người Cơ Tu là: Khi dệt, người phụ nữ sẽ se những hạt cườm tạo thành những hoa văn, họa tiết ngay trên tấm vải. Tùy vào trí tưởng tượng và tài hoa của mỗi người sẽ tạo nên những hoa văn, hoạ tiết khác nhau. Những hoa văn thường thấy như lá a tút, hàng rào, hình chiếc chong chóng hay phức tạp và tỉ mỉ hơn như dãy núi, mặt trời… để hoàn thiện phải mất nhiều thời gian, đôi khi dệt một tấm áo phải mất nhiều tháng. Tuy khó khăn, vất vả là vậy, nhưng những người bà, người mẹ vẫn truyền lửa lại cho con cháu mình để người sau không quên đi cội nguồn dân tộc.
Nếu như hình ảnh người phụ nữ Cơ Tu gắn liền với khung dệt thì trong văn hóa của dân tộc này những người đàn ông được biết đến với nghề điêu khắc.
Già làng Briu Pố ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là người gần như đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, gìn giữ và phát huy nghề điêu khắc ngàn năm của tổ tiên.
Theo vị già làng đáng kính, những gì tinh tế nhất trong điêu khắc Cơ Tu sẽ được thể hiện tại công trình được ví như “biểu tượng văn hóa” của mỗi thôn bản. Đó là nhà gươl. Người Cơ Tu tôn thờ nhà gươl bao nhiêu thì họ dành cả tâm huyết để điêu khắc cho nơi đó lộng lẫy bấy nhiêu.
Điêu khắc trong mỗi nhà gươl được chia làm ba phần: phần ở cửa vào là hình ảnh của những con vật như: trâu, rắn, hổ, các loại chim mang ý nghĩa mong muốn người dân trong thôn bản có được trí tuệ, sức mạnh… Phía trong nhà, tại các điểm tiếp giáp của xà ngang và xà dọc, là những bức tranh thiên nhiên hình cây cối, chim muông với những nét chạm khắc phóng khoáng và những mặt nạ, được đục đẽo, chạm trổ tuy chân phương nhưng rất sinh động, thể hiện 2 mặt ác và thiện đại diện cho những tín ngưỡng về tâm linh. Phía trong cùng của nhà gươl, người Cơ Tu điêu khắc hình tượng thần linh, con người, tái hiện lại cảnh lễ hội, sinh hoạt, sản xuất và một số biểu tượng mang tính tâm linh, gắn chặt với cuộc sống đời thường.
Ngoài điêu khắc cho nơi tôn nghiêm nhất của làng là nhà gươl, đàn ông Cơ Tu cũng điêu khắc để phục vụ lao động sản xuất. Từ làm con dao cái rựa, trang trí nhà cửa cho đến việc việc săn bắt, nương rẫy cũng phải nhờ đến những mẹo dân gian từ điêu khắc để người dân thu lượm được sản vật và sinh hoạt đời thường.
Có thể nói, điêu khắc đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của đồng bào Cơ Tu. Ý thức được điều đó, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những nghệ nhân, già làng truyền dạy cho thế hệ trẻ từ cách cầm cao, cách đục gỗ… để lớp trẻ kế thừa và tiếp bước cha ông làm nên những ngôi nhà gươl mang đậm linh hồn dân tộc.
Hàng trăm năm nay, người Cơ Tu vẫn bền bỉ đời trước truyền đời sau, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, tạo nên một gam màu tuy trầm lắng nhưng vô cùng đặc sắc của bức tranh núi rừng Tây Trường Sơn./.