Một thành viên của cộng đồng chuyển giới Pakistan sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới đây để đấu tranh vì quyền bình đẳng giới. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào giữa tháng Năm, sẽ đánh dấu màn chuyển giao quyền dân chủ đầu tiên của Pakistan, sau khi một chính quyền dân cử lần đầu cầm quyền đủ nhiệm kỳ trong lịch sử 65 năm của nước này. Đây cũng là lần đầu tiên khoảng 500.000 người thuộc nhóm "thái giám" (eunuchs) sẽ được quyền tranh cử, sau khi Tòa án Tối cao Pakistan ra lệnh cho chính quyền phát thẻ căn cước và ghi danh họ là cử tri hồi năm 2011. Ở Pakistan, từ "thái giám" dùng để chỉ tới những người lưỡng tính, chuyển giới, đồng tính và đàn ông thích mặc quần áo phụ nữ hoặc ngược lại, bên cạnh những người đàn ông bị thiến. Những người thuộc nhóm "thái giám" thường được trả tiền để giúp vui tại các sinh nhật hoặc nhảy múa tại các đám cưới. "Số phận của chúng tôi không phải là nhảy múa mua vui hoặc cầm tô xin ăn. Chúng tôi còn có cả cuộc đời để sống" - Sanam Fakir, 32 tuổi, nói với AFP qua điện thoại từ thị trấn Sukkur, cách Islamabad khoảng 800km. Các cuộc bầu cử sẽ bầu Quốc hội và hội đồng lập pháp địa phương. Các ghế trong những cơ quan này thường được tranh giành dựa trên nền tảng bảo trợ, khiến những người giàu có và các đảng phái mạnh ở Pakistan có lợi thế lớn. Chạy đua với tư cách ứng viên độc lập ở Sukkur, khu vực vốn ủng hộ mạnh đảng Nhân dân Pakistan cầm quyền và chỉ có một cộng đồng người chuyển giới nhỏ, cơ hội chiến thắng của Fakir đã trở nên rất nhỏ. "Chúng tôi không tham nhũng. Chúng tôi không cần phải tham nhũng. Chúng tôi không có gia đình và các nhu cầu của chúng tôi rất hạn chế. Chúng tôi là những con người dễ thỏa mãn" - Fakir nói với AFP - "Tôi biết sẽ rất khó để đánh bại các đối thủ, nhưng mọi người nên đóng góp vì một xã hội tốt đẹp hơn".
Người chuyển giới ở Pakistan thường tham gia mua vui tại các đám cưới, sinh nhật (Nguồn: AFP)
Nhưng trong một đất nước Hồi giáo bảo thủ nơi các mối quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là điều cấm kỵ và tình dục đồng giới là chuyện bất hợp pháp, các "thái giám" vẫn chỉ được xem như đồ chơi tình dục và thường trở thành nạn nhân của các vụ tấn công, phải ra đường ăn xin hoặc bán dâm. Fakir đã học xong lớp 10 ở trường và giờ đang điều hành một tổ chức thiện nguyện, gồm cả một trung tâm máy tính dành cho các thành viên trong cộng đồng của cô. "Chúng tôi giờ đang giành được quyền học hành. Người ta thường trêu ghẹo chúng tôi, nhưng giờ họ đã bắt đầu tôn trọng chúng tôi" - cô nói./.
Linh Vũ (Vietnam+)