'Người cầm lái': Sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ qua ngôn ngữ nhạc kịch

Nghệ thuật nhạc kịch kinh điển thế giới sẽ hòa quyện với chất liệu sân khấu truyền thống để kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vở nhạc kịch sẽ tái hiện hình tượng Bác Hồ trong nhiều giai đoạn lịch sử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà hát Công an Nhân dân sẽ ra mắt vở nhạc kịch “Người cầm lái” về Chủ tịch Hồ Chí Minh để kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nhà hát (24/4/1982-24/4/2022) và 132 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2022).

Theo Thượng tá, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thị Thuý Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an Nhân dân, đây là lần đầu tiên nhà hát dàn dựng nhạc kịch. Dự án quy tụ đội ngũ “hùng hậu” với 180 nghệ sỹ, trong đó có rất nhiều tên tuổi lớn ở các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, múa.

Vở nhạc kịch do thạc sỹ, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh làm tổng đạo diễn; nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cố vấn âm nhạc. Phụ trách phần múa có 2 biên đạo: Tuyết Minh và Mạnh Quyền. Phần âm nhạc có sự tham gia của 1 dàn hợp xướng, 1 dàn nhạc giao hưởng và 1 dàn nhạc dân tộc.

Tác phẩm tập trung khai thác cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước, chèo lái con thuyền cách mạng, đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng và thống nhất đất nước.

Nội dung tập trung khai thác khoảng thời gian sau khi Người bôn ba ở nước ngoài, trở về nước hoạt động cách mạng đồng thời khắc họa đậm nét hình tượng Bác Hồ với lực lượng công an nhân dân.

[Khi cải lương cất lên khúc tráng ca về những người chiến sỹ cách mạng]

Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh cho biết vở nhạc kịch được xây dựng ở hình thức giao hưởng-đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm song vẫn phát huy di sản truyền thống từ sân khấu kịch hát dân tộc, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt qua thanh âm của những nhạc cụ dân tộc, chất liệu ngôn ngữ múa dân gian đương đại.

“Khán giả sẽ cảm nhận tinh hoa nghệ thuật nhạc kịch kinh điển thế giới hòa quyện với sân khấu truyền thống 'chảy' vào câu chuyện kể về quá trình hình thành tư tưởng của Bác Hồ,” nghệ sỹ chia sẻ.

Phân cảnh Bác hoạt động cách mạng ở nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng đạo diễn Tuyết Minh cho hay điểm nhấn và cũng là thách thức của vở nhạc kịch chính là làm sao truyền tải hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau: Thủa nhỏ cùng cha mẹ và anh cả Nguyễn Sinh Khiêm từ Nam Đàn vào kinh thành Huế, nỗi đau đầu đời và tuổi thơ đầy sóng gió khi mẹ và em trai mất khi Bác mới 11 tuổi, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài rồi trở về lãnh đạo cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc…

Một điểm nhấn khác của dự án này là sân khấu thiết kế linh hoạt với bối cảnh cứng và cảnh trí động, sử dụng hiệu ứng công nghệ ảo. Màn hình LED cong ôm lấy bản đồ Việt Nam lần đầu tiên được tái hiện trên sân khấu hứa hẹn sẽ tạo ra những hiệu ứng đặc biệt về thị giác, thính giác. Sân khấu mở cũng sẽ giúp khán giả thưởng thức, chiêm ngưỡng trọn vẹn kỹ thuật của các nghệ sỹ trong dàn nhạc thay vì chỉ nghe thấy âm thanh từ phía hậu đài như thông thường.

Nghệ sỹ Tuyết Minh cho hay vở nhạc kịch lần này là những lát cắt trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đây, chị đã gây tiếng vang với vở ballet "Kiều," tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn" về xã hội thời COVID-19... song việc xây dựng hình tượng nghệ thuật để toát lên phong cách và trí tuệ của Bác Hồ là một khó khăn và thách thức đặc biệt.

"Múa như thế nào để đặc tả được hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn là ước mơ trong sự nghiệp của tôi. Tôi hy vọng 'Người cầm lái' sẽ là một tác phẩm lớn, mang lại nhiều cảm xúc, nhiều góc nhìn mới qua cách kể chuyện bằng ngôn ngữ ca múa nhạc," chị chia sẻ.

Vở nhạc kịch sẽ diễn ra trong hai đêm 24/4 và 17/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội./.

Trailer giới thiệu vở nhạc kịch:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục