Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người cả đời trân quý mẹ Thiên nhiên “hiến kế” phát triển “rừng vàng”

Với kinh nghiệm thành công ở nhiều dự án trên mảnh đất hình chữ S, Anh hùng Lao động Thái Hương đã đề xuất Tập đoàn TH triển khai dự án thí điểm phát triển kinh tế rừng ở vùng Tây Nguyên.

Dẫn câu thành ngữ “rừng vàng biển bạc,” Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á cho rằng hiện nay chúng ta đang sử dụng rừng chưa hiệu quả, rừng cạn kiệt và có nguy cơ mất cao. Bởi vậy, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước diễn ra hôm nay, ngày 21/9, bà đã đưa ra những “kế sách” nhằm phục hồi “rừng vàng.”

“Chìa khóa” phát triển rừng bền vững

Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, Việt Nam có 3 loại rừng: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Song, các loại rừng này đang dần cạn kiệt, nguy cơ mất rừng cao. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, có thể do bão lũ, hạn hán, cháy rừng; do lâm tặc, người dân chặt rừng lấy gỗ... Đặc biệt với diện tích rừng sản xuất, một số diện tích rừng thuộc các công ty lâm nghiệp của nhà nước (hoặc cổ phần hóa) quản lý đang tiến hành trồng nhưng chưa hiệu quả...

e3b36f9874bed2e08baf.jpg
Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thực tế cho thấy việc mất rừng đem lại rất nhiều hệ lụy, bằng chứng là những năm gần đây thiên tai diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nơi hạn hán, lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng… Bởi vậy, Anh hùng Lao động Thái Hương cho rằng việc cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng trồng rừng và “điều này cũng góp phần hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà chúng ta cam kết với quốc tế.”

"Cha ông ta từ xa xưa đã có câu: Đất nước ta rừng vàng biển bạc. Câu nói này hoàn toàn có cơ sở khoa học, nhưng ta phải làm thế nào để xứng đáng với tầm nhìn lớn lao ấy..."

Anh hùng Lao động Thái Hương

Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, để phát triển bền vững rừng Việt Nam, việc đầu tiên là Nhà nước cần cấp nguồn kinh phí đủ để đánh giá lại thực trạng rừng.

Tiếp theo, Nhà nước phải có chính sách để lôi kéo tầng lớp doanh nhân đủ Tâm - Trí - Lực vào lĩnh vực này. Thực tế từ trước trước nay, khi nói đến nông lâm nghiệp, chúng ta nghĩ đến nông dân. Nhưng chúng ta chưa nghĩ đến một thành phần kinh tế có thể tạo động lực hỗ trợ nông dân làm nông lâm nghiệp - đó chính là doanh nghiệp, doanh nhân. Phải có các doanh nhân, các doanh nghiệp có đủ Tâm – Trí – Lực đầu tư, phát triển, tạo môi trường và động lực lôi kéo người nông dân tiến lên trong nền sản xuất hiện đại. Để thu hút các doanh nghiệp này, Chính phủ cần có các chính sách phù hợp với từng dự án, từng thời kỳ, giúp kinh tế rừng phát triển bền vững.

“Cha ông ta từ xa xưa đã có câu: Đất nước ta rừng vàng biển bạc. Câu nói này hoàn toàn có cơ sở khoa học, nhưng ta phải làm thế nào để xứng đáng với tầm nhìn lớn lao ấy,” Anh hùng Lao động Thái Hương trăn trở.

Thực tế, tại các đơn vị mà nữ Anh hùng Lao động Thái Hương lãnh đạo, bà luôn nhấn mạnh các dự án liên quan tới rừng cần triển khai với nguyên tắc lấy Mẹ Thiên nhiên làm nền tảng, con người là trọng tâm và theo hướng phát triển bền vững, cân đối môi sinh môi trường để hài hòa lợi ích, muôn loài được hạnh phúc.

“Tôi cho rằng đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ phải có đề án hái lượm tự nhiên, trồng cây lâm nghiệp giá trị kinh tế cao (cây lấy gỗ, sầu riêng, bơ,…); Đối với rừng sản xuất phải có đề án trồng cây đa tầng (cây dược liệu, cây lấy tinh dầu, cây ăn quả, thảo dược, gia vị…) trong đó các cây sinh khí sinh thủy, vẫn thu hoạch được nhưng sống được hàng chục, trăm năm như đàn hương, gù hương, sầu riêng, macca,… các cây này cho thu hoạch lấy quả, lấy tinh dầu, lấy gỗ nhưng vẫn tiếp tục phát triển. Việc trồng cây phải được quy hoạch rõ ràng ngay từ đầu, trồng theo phương pháp khoa học, phân kỳ, để có hàng có lối, hàng cách hàng, cây cách cây bao nhiêu mét, hàng này cây trồng 3-4 năm có độ phủ xanh thì hàng kia mới được thu hoạch… Đề án trồng cây cần kết hợp với chế biến sâu và xây dựng thương hiệu đặc trưng của vùng miền,” Anh hùng Lao động Thái Hương chia sẻ.

Tiếp theo là ưu đãi về thuế đất. Thực tế doanh nghiệp hay cá nhân dùng rừng sản xuất là phải trả thuế đất. Người đứng đầu Tập đoàn TH cũng từng chia sẻ ý kiến rằng nhà nước nên xem xét ưu đãi miễn giảm thuế nếu trồng cây đã có thành quả, tuy nhiên trong thời gian triển khai dự án là phải thu thuế đất. Nếu giữ đất mà không trồng trong khoảng 6 tháng có thể cưỡng chế thu hồi.

Nấm linh chi được người dân bản địa thu hái tự nhiên từ rừng.jpg
Nấm linh chi tự nhiên trong rừng núi Mường Lống.jpg

Người đứng đầu Tập đoàn TH cũng cho rằng cần đánh giá lại hoạt động của các công ty lâm nghiệp. Nếu công ty quản lý không có hiệu quả thì trả về địa phương để giao cho doanh nghiệp có dự án khả thi. Đất do dân đang lấn chiếm cũng vậy, nếu dân có phương án khả thi, nộp được thuế đất thì giao cho dân, còn không thì phải cưỡng chế thu hồi để giao cho đơn vị khác để phát triển rừng.

“Lôi kéo” người dân cùng gìn giữ và phát triển rừng

Cũng theo Anh hùng Lao động Thái Hương, chúng ta phải ưu tiên các doanh nghiệp “biết lôi kéo” người nông dân cùng đi trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp sẽ đưa khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người nông dân trồng, sau đó thu mua bao tiêu sản phẩm, kết hợp chế biến sâu và phát triển thương hiệu, để tạo ra lực lượng hàng hoá và thương hiệu cho vùng miền đó. Như vậy, đề xuất người nông dân và doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ phân bón và giống cho lần đầu trồng, doanh nghiệp cần được cho vay lãi suất ưu đãi của Ngân sách nhà nước, cũng như có gói hỗ trợ để đào tạo nguồn nhân lực…

9875d45ecf7869263069.jpg
Anh hùng Lao động Thái Hương hiến kế phát triển "rừng vàng". (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực tế trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân trồng và phát triển rừng, nhờ đó, nhiều vạt đồi trọc, khu đất trống đã được phủ xanh. Ở góc độ của mình, nữ Anh hùng lao động Thái Hương cho rằng các doanh nghiệp phải biết “lôi kéo” người nông dân đi cùng chuỗi giá trị của mình, phải giúp họ ổn định cuộc sống, làm giàu trên chính khu rừng thân thuộc.

Đơn cử như tại mảnh đất biên viễn miền Tây xứ Nghệ - Kỳ Sơn, sau hơn mười năm có mặt, Công ty Cổ phần Dược liệu TH (Tập đoàn TH) đã xây dựng được một “Thiên đường thảo dược” dưới tán rừng. Với quy mô khoảng 250ha, đây là nơi bảo tồn và phát triển nhiều thảo dược quý hiếm như sâm bạch quả, lan thạch hộc, tam thất bắc, đương quy, đẳng quy, thất diệp nhất chi hoa, sâm Puxailaileng… với những kỹ thuật cao nhất, bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe. Hiện, cách làm này đang được triển khai trên diện tích khoảng 15.000 ha trong cả nước.

Các doanh nghiệp phải biết “lôi kéo” người nông dân đi cùng chuỗi giá trị của mình, phải giúp họ ổn định cuộc sống, làm giàu trên chính khu rừng thân thuộc.

Cũng tại rừng núi Kỳ Sơn, bên cạnh nhận hàng loạt nhân sự vào làm việc với mức đãi ngộ tốt tại công ty, nhờ sự hướng dẫn của Công ty Cổ phần Dược liệu TH, những người nông dân đã không khai thác “tận diệt” thảo dược, mà họ biết khai thác bền vững, khai thác để phát triển “lộc trời.” Người dân cũng biết phải bảo vệ những cây lớn, cổ thụ để “che chở” cho các cây dược liệu, để chúng phát triển, sinh sôi. Sau đó, người dân sẽ khi thu hái sản phẩm và được Tập đoàn TH bao tiêu đầu ra toàn bộ, bảo đảm sinh kế ổn định.

Với kinh nghiệm thành công ở nhiều dự án trên mảnh đất hình chữ S, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Anh hùng Lao động Thái Hương đã đề xuất triển khai dự án thí điểm phát triển kinh tế rừng ở vùng Tây Nguyên - vùng phên dậu Tổ quốc với diện tích rừng đứng thứ ba của Việt Nam.

3.jpeg

“Chúng tôi sẽ có đề án trình Chính phủ cụ thể về mô hình phát triển kinh tế rừng bền vững bao gồm trồng cây đa tầng, chế biến sâu, phát triển thương hiệu hàng hóa vùng miền. Sau khi thành công, bước tiếp theo sẽ là phát triển các khu nghỉ dưỡng, dưỡng lão, du lịch sinh thái, du lịch vùng miền trên những cánh rừng này,” bà Hương nói.

Với vai trò là nhà tư vấn dẫn dắt một thế hệ doanh nghiệp phát triển bền vững, phát triển trên lợi thế đất nước là nông lâm nghiệp, thực tế cho thấy Tập đoàn TH có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc tiên phong, chủ động triển khai các giải pháp, hành động hướng tới Net Zero. Năm 2023, hệ thống trang trại của TH giảm phát thải trung bình hơn 20%/đơn vị sản phẩm thông qua nhiều giải pháp đồng bộ tập trung vào 3 hoạt động: Cắt giảm phát thải khí nhà kính; chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, và hấp thụ khí nhà kính - trồng cây xanh ở tất cả các dự án, bảo tồn rừng, làm kinh tế dưới tán rừng.

"Tôi có khát vọng, sẽ lăn lộn cùng bà con nông dân tại vùng Tây Nguyên và sẽ đưa họ đi cùng."

Anh hùng Lao động Thái Hương

“Chúng tôi đã ứng dụng thành tựu to lớn của các cuộc Cách mạng mà thế giới đã có với một công thức hết sức đơn giản nhưng chính là ‘chìa khóa vàng’ cho nông lâm nghiệp Việt Nam. Đó là kết hợp Trí tuệ Việt, Tài nguyên Thiên nhiên Việt, đưa khoa học công nghệ đầu cuối Thế giới và khoa học quản trị đan xen vào nhau tạo ra được năng suất lao động, chi phí, giá thành hợp lý và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam, thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ trở thành phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây... Tôi có khát vọng, sẽ lăn lộn cùng bà con nông dân tại vùng Tây Nguyên và sẽ đưa họ đi cùng,” Anh hùng Lao động Thái Hương chốt lại./.

Toàn cảnh Mường Lống .jpg
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục