Chính phủ Thái Lan bị lật đổ vào cuối tuần?

Người biểu tình Thái Lan tuyên bố lật đổ chính phủ vào cuối tuần

Các thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Thái Lan ở Bangkok đồng loạt tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ trong vòng hai ngày cuối tuần.
Người biểu tình đẩy hàng rào do cảnh sát dựng trước tòa nhà chính phủ. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)

Ngày 29/11, các thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ ở tất cả 5 điểm tại Bangkok đã đồng loạt tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ trong vòng hai ngày cuối tuần khi những người ủng hộ họ đang đổ về thủ đô Bangkok.

Một nhóm biểu tình trong số này do Mạng lưới nhân dân và sinh viên vì cải cách Thái Lan dẫn đầu đã tuần hành qua trụ sở đảng Vì nước Thái để phản đối và trụ sở lục quân để kêu gọi quân đội thể hiện rõ lập trường ủng hộ bên nào. Thậm chí thủ lĩnh đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva cũng tham gia và dẫn đoàn người tới Đại sứ quán Mỹ để giải thích lý do họ tổ chức biểu tình.

Các thủ lĩnh biểu tình tiếp tục khẳng định chính phủ hiện nay không còn tính hợp pháp để điều hành đất nước và kêu gọi những người ủng hộ lật đổ hoàn toàn "chế độ Thaksin."

Dường những tranh cãi chính trị qua lại trong những ngày qua đang được các thủ lĩnh biểu tình đẩy lên thành cao trào sau khi bà Yingluck Shinawatra dễ dàng vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do đảng đối lập khởi xướng.

Để phòng trước khả năng nữ Thủ tướng có thể lựa chọn giải tán quốc hội hoặc từ chức để giải quyết các tranh cãi vì những căng thẳng mà những người biểu tình tạo ra trong tuần qua đã không mang lại kết quả một cuộc can thiệp phi dân chủ như họ mong muốn, thủ lĩnh phát động biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên bố chỉ có mục tiêu duy nhất là lật đổ chế độ Thaksin để thay bằng một hội đồng của nhân dân.

Theo những người biểu tình, toàn bộ gia tộc Shinawatra sẽ phải bị đầy ra nước ngoài mãi mãi để người dân thành lập một hội đồng của mình và sau đó lựa chọn ra một chính phủ dân chủ đúng nghĩa. Hiện tại, các chính trị gia bị dính tham nhũng có thể chạy ra nước ngoài hàng chục năm và trở về sau khi được ân xá hoặc mãn hạn truy tố. Đây là một lỗ hổng của luật pháp do vậy, một hội đồng nhân dân nếu được thành lập sẽ có nhiệm vụ sửa đổi lại nó.

Một hội đồng nhân dân như kiểu này đã từng được thành lập sau cuộc đảo chính 2006 để làm ra một bản hiến pháp hiện nay, nhưng rốt cuộc nó vẫn khiến Thái Lan không yên ổn.

Trong một diễn biến mới nhất, đảng Vì nước Thái đã ra tuyên bố giải thích lại lập trường của họ đối với quyết định của tòa án. Đảng này cho rằng phe đối lập và các thủ lĩnh biểu tình đang cố tình lừa dối người dân rằng chính phủ không còn tính hợp pháp để điều hành đất nước sau khi không chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

Tuyên bố khẳng định lại rằng đảng Vì nước Thái chỉ không đồng tình với quyết định của tòa án ngày 20/11 liên quan tới thành phần của Thượng viện. Tòa án Hiến pháp không được trao quyền để chấp nhận đơn kiện xem xét về vấn đề này.

Theo giải thích của đảng Vì nước Thái, đảng này chưa bào giờ tuyên bố không chấp nhận quyền lực của Tòa án Hiến pháp như mọi người nghĩ. Họ chỉ nói rằng Tòa án Hiến pháp không có quyền chấp nhận xem xét liên quan tới trường hợp này.

Đảng Vì nước Thái kêu gọi người biểu tình phản đối chính phủ hãy trả lại các trụ sở cơ quan chính quyền họ đang chiếm giữ để viên chức và công chức được trở lại làm việc.

Đảng này ủng hộ việc Thủ tướng Yingluck kêu gọi đối thoại hòa bình và đề nghị ông Abhisit cùng cố vấn đảng Dân chủ Chuan Leekpai thuyết phục thủ lĩnh biểu tình Suthep dừng chiếm giữ các trụ sở cơ quan chính quyền.

Trước đó, ông Abhisit đã nói rằng đảng Dân chủ ủng hộ việc tổ chức biểu tình để lật đổ chế độ Thaksin chứ không phải để giành quyền lực của chính phủ hiện nay. Đảng Dân chủ ủng hộ ông Suthep, đặc biệt là về kế hoạch tổ chức biểu tình rầm rộ trong hai ngày cuối tuần.

Ông Abhisit khẳng định kể cả khi ông Suthep có bị bắt thì biểu tình vẫn cứ tiếp tục vì có rất nhiều người có thể thay thế. Đảng Dân chủ không hề lo ngại về khả năng bị giải tán chỉ vì đóng vai trò tích cực trong chiến dịch lật đổ chế độ Thaksin.

Thủ tướng Yingluck cũng cho biết bà sẽ ở lại và sẵn sàng tranh đấu với phe đối lập. Bà Yingluck đã loại bỏ khả năng giải tán quốc hội hoặc từ chức và nói thêm rằng ý tưởng của ông Suthep về một hội đồng nhân dân là không thể trở thành hiện thực theo luật pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục