Người biểu tình ở Thái Lan chờ đợi điều gì?

Người biểu tình ở Thái Lan muốn chờ đợi điều gì nữa xảy ra?

Có lẽ người biểu tình đang toan tính áp đặt thêm một điều gì đó hoặc chờ đợi một sự can thiệp nào đó từ phía quân đội hoặc hoàng gia.
Người biểu tình bao vây cổng chính vào tòa nhà chính phủ. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)

Chiến dịch được người biểu tình gọi là loại bỏ hoàn toàn chế độ Thaksin cho tới thời điểm này vẫn đang được tiếp tục đẩy lên bất chấp việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tuyên bố giải tán Quốc hội để mở đường cho một cuộc bầu cử mới.

Có lẽ người biểu tình đang toan tính áp đặt thêm một điều gì đó hoặc chờ đợi một sự can thiệp nào đó khi mà thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố trước hàng trăm người biểu tình đang bao vây tòa nhà chính phủ rằng Thủ tướng Yingluck phải từ chức để người biểu tình thành lập một Hội đồng nhân dân cùng việc có một thủ tướng tạm quyền được chỉ định.

Tuyên bố giải tán Quốc hội của bà Yingluck được đưa ra trong bối cảnh biển người biểu tình đang dồn về tòa nhà chính phủ và đây là lần thứ hai Thủ tướng Thái Lan có những hành động nhân nhượng nhằm giải tỏa sức nóng của người biểu tình.

Bà Yingluck đã từng ra lệnh cho cảnh sát giải tán, không sử dụng vũ lực để người biểu tình tràn vào trụ sở chính phủ và cảnh sát trước lễ kỷ niệm sinh nhật của Nhà Vua Thái Lan hôm 5/12.

Hành động giải tán Quốc hội, trao lại quyền lực cho người dân quyết định thông qua cuộc bầu cử mới được mô tả là phù hợp với Hiến pháp và hệ thống dân chủ thông thường.

Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep lại bác bỏ hệ thống này. Ông ta đã viện dẫn một điều khoản khác của Hiến pháp với ý định thành lập một Hội đồng nhân dân và bổ nhiệm một thủ tướng để thực hiện cải cách chính trị trước khi chọn ra được một chính phủ mới.

Ông này nói rằng thắng lợi của người biểu tình vẫn chưa thực sự đầy đủ cho tới khi chế độ Thaksin bị loại bỏ hoàn toàn và một Hội đồng nhân dân được thành lập để điều hành đất nước. Bà Yingluck cũng phải từ chức thủ tướng tạm quyền hiện nay.

Những yêu cầu này bị đa số các chuyên gia luật pháp tại Thái Lan cho là vi hiến bởi không có một điều khoản nào trong Hiến pháp 2007 cho phép lập một hội đồng như vậy và Hiến pháp cũng nói rõ rằng Thủ tướng sẽ tạm thời giữ chức vụ cho tới cuộc bầu cử mới.

Việc đề nghị Nhà Vua chỉ định một Thủ tướng cũng là biện pháp phi dân chủ bởi hiện tại Thái Lan đang theo chế độ quân chủ lập hiến chứ không còn chế độ quân chủ chuyên chế nữa.

Người biểu tình ở Bangkok quyết lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck đến cùng. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)

Ngoài những yêu cầu của ông Suthep, đảng Dân chủ của ông này đã bắt đầu có những dầu hiệu bất thường. Bắt đầu là việc toàn bộ nghị sĩ tuyên bố từ chức và Chủ tịch Abhisit Vejjajiva sẽ đích thân tham gia cuộc biểu tình bao vây chính phủ. Đảng Dân chủ cũng chưa có phản ứng gì về việc cuộc bầu cử mới đã được ấn định vào 2/2/2014.

Năm 2005, họ đã tảy chay một cuộc bầu cử trong hoàn cảnh tương tự hiện nay và sau đó một cuộc đảo chính quân sự lật đổ anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, đã xảy ra vào năm 2006.

Có lẽ ông Suthep và những người trong đảng Dân chủ, đại diện cho giới tinh hoa cấp cao trong xã hội Thái Lan, đang muốn mọi thứ đi vào ngõ cụt thể có thể "thuyết phục" các lực lượng bên ngoài như quân đội, tòa án và hoàng cung đứng ra dàn xếp đồng thời hậu thuẫn cho chiến dịch loại bỏ bà Yingluck cũng như chế độ Thaksin.

Theo thủ lĩnh một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền, quyết định cuối cùng cho vấn đề hiện nay sẽ phụ thuộc vào quân đội. Quân đội có sứ mệnh quan trọng là ngăn chặn đổ máu và mở đường cho việc sửa đổi hiến pháp bởi những xung đột hiện nay dường như đang xuất phát từ những cách hiểu khác nhau đối với bản Hiến pháp 2007.

Việc ông Suthep đề nghị bổ nhiệm một thủ tướng mới thay bà Yingluck chắc chắn sẽ dẫn tới xung đột bạo lực bởi những người biểu tình áo đỏ ủng hộ chính phủ sẽ không dễ dàng bỏ qua. Họ sẽ lại phát động một chiến dịch để trả thù việc bà Yingluck bị loại bỏ.

Trong hoàn cảnh này, quân đội có thể sẽ "ra tay" nhằm ổn định tình hình. Nó có thể không giống như những cuộc đảo chính trước đây, nhưng ít ra nó sẽ là hành động nhân danh hai bên để loại bỏ hiến pháp hiện nay và viết lại bản hiến pháp mới.

Quân đội vẫn đang cố gắng tránh liên can tới những lời kêu gọi ủng hộ của người biểu tình. Tuy nhiên, họ vẫn phái binh sĩ tới giúp người biểu tình bị thương trong các cuộc xung đột với cảnh sát nhân danh hoạt động nhân đạo. Hành động này đã cổ vũ thêm tinh thần cho người biểu tình chống chính phủ. Quân đội Thái Lan vẫn luôn đóng vai trò chính trong việc lật đổ và thành lập các chính phủ trong quá khứ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục