Giới chức Hy Lạp hôm 15/11 cho biết người biểu tình đã quấy rối và ném cà phê vào lãnh sự Đức ở Thessaloniki, ông Wolfgang Hoelscher-Obermaier để chống lại việc cắt giảm các lao động ở các cơ quan Chính phủ, buộc cảnh sát chống bạo động phải can thiệp. Cuộc biểu tình diễn ra bên lề một cuộc hội thảo về các sáng kiến thương mại Đức - Hy Lạp. "Hãy đoàn kết để đánh đuổi những gã phát xít Đức" - một số người biểu tình hô vang. [Bãi công phản đối thắt lưng buộc bụng ở nhiều nước] Các thành viên khác của đoàn đại biểu Đức đã bị những người biểu tình với số lượng khoảng 300 nhân vật, ném trứng vào người. Cảnh sát đã phải can thiệp để giải thoát cho viên lãnh sự khỏi đám đông, nhưng không có ai bị thương và bị bắt. Sự kiện diễn ra chỉ một ngày sau khi Thứ trưởng Lao động Đức Hans-Joachim Fuchtel nói rằng Hy Lạp cần tới 3 công chức để làm xong các công việc chỉ cần một người Đức làm là đủ. "Các nghiên cứu cho thấy khoảng 3.000 người lao động đã được Hy Lạp sử dụng để thực hiện các công việc hành chính ở địa phương, vốn chỉ cần khoảng 1.000 người thực hiện tại Đức" - ông nói. Fuchtel là đặc sứ riêng của Thủ tướng Đức Angela Merkel, có nhiệm vụ làm việc với các quan chức Hy Lạp để điều hành hoạt động của các hội đồng địa phương. Hôm 15/11, ông nói rằng người ta đã "hiểu lầm" tuyên bố của mình. Hy Lạp đang bị các chủ nợ quốc tế, Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế gây sức ép buộc cắt giảm hàng ngàn việc làm từ các cơ quan hành chính công, vốn đã rất cồng kềnh, để được nhận tiền cứu trợ. Khoảng 30.000 người đã biểu tình ở Athens trong tháng trước, khi Merkel thăm Hy Lạp. Quan điểm của người Hy Lạp về Đức, vốn đã không đẹp đẽ gì do ký ức của một cuộc chiếm đóng tàn bạo dưới thời Phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai, nay tiếp tục xấu thêm vì cuộc khủng hoảng nợ.
Cuộc biểu tình diễn ra bên lề một cuộc hội thảo về các sáng kiến thương mại Đức - Hy Lạp ở Thessaloniki (Nguồn: AFP)
Nhiều người Hy Lạp xem Đức là tuyến đầu của các áp lực đòi thắt lưng buộc bụng hơn nữa và đây là nguyên nhân đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ thời hậu chiến. Về phần mình, các quan chức Đức cáo buộc Hy Lạp đã chậm chạp cải cách và đang phí phạm thời gian quý báu họ có được nhờ các khoản vay từ EU-IMF, trong đó Berlin là bên góp vốn chủ đạo./.
Linh Vũ (Vietnam+)