Theo Reuters, các thủ lĩnh của phong trào biểu tình ở Sri Lanka, những người đã buộc tổng thống và thủ tướng chính thức rời khỏi dinh thự vào ngày 10/7 cho biết họ sẽ chiếm các tòa nhà này cho đến khi hai nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước rời nhiệm sở.
Hàng nghìn người biểu tình đã tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống nước này nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống.
Ngày 9/7, Tổng thống Sri Lanka, ông Gotabaya Rajapaksa đã phải đi lánh nạn trong bối cảnh người biểu tình quá khích đã bao vây và tìm cách xông vào tư dinh của ông, nhằm yêu cầu ông từ chức.
[Video người biểu tình tận hưởng xa hoa trong Dinh Tổng thống Sri Lanka]
Trước đó cùng ngày, cảnh sát Sri Lanka đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông ở thủ đô thương mại Colombo. Trong cuộc biểu tình quy mô lớn này, hàng nghìn người đã tập trung đông nghịt trên những xe buýt, tàu hỏa và xe tải tới từ mọi miền trên khắp Sri Lanka để tiến về Colombo nhằm bày tỏ sự bất bình trước việc chính phủ không bảo vệ họ khỏi những tổn thất về kinh tế.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana cho biết Tổng thống Sri Lanka, ông Gotabaya Rajapaksa, đã đồng ý từ chức vào tuần tới.
Trong khi đó, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 9/7 cho biết ông sẵn sàng từ chức để mở đường cho một chính phủ mới với đại diện của tất cả các đảng phái.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây./.