Người bảo tồn và phát huy nghề mộc truyền thống của quê hương Hà Tĩnh

Sinh ra giữa những tiếng đục đẽo, tiếng cưa xẻ gỗ, từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Minh ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, được nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề mộc truyền thống của quê hương.
Người bảo tồn và phát huy nghề mộc truyền thống của quê hương Hà Tĩnh ảnh 1Ông Nguyễn Văn Minh (bên trái) chia sẻ về quy trình làm nhà từ gỗ mít. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Từ âm huyết, trăn trở với việc giữ gìn nghề mộc truyền thống của quê hương đã giúp ông Nguyễn Văn Minh, 56 tuổi, ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, “bén duyên” với nghề dựng nhà gỗ mít chạm trổ tinh xảo.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Minh còn giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo và có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Ông Minh được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Nâng tầm nghề mộc truyền thống

Làng Bến Đền ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là ngôi làng nức tiếng với nghề đóng thuyền truyền thống hàng trăm năm. Sinh ra giữa những tiếng đục đẽo, tiếng cưa xẻ gỗ, từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Minh được nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề mộc. Lớn lên, làng nghề truyền thống đóng thuyền bị mai một dần do nhu cầu của thị trường lựa chọn thuyền gỗ ít dần đi, ông Minh bươn chải mưu sinh với đủ nghề như buôn gạo, buôn lân đạm… để kiếm sống nuôi gia đình.

Cơ duyên đến với ông Minh trong một dịp vào khoảng những năm 2000, một vị khách từ Hà Nội về thăm làng nghề mộc tìm thợ giỏi và săn lùng gỗ mít để làm nhà thờ. “Lúc này, tôi và người dân làng mình vẫn chưa biết nhiều đến giá trị của cây gỗ mít, bởi lâu nay người dân vẫn chặt bỏ cây mít dùng làm củi chứ chưa sử dụng vào việc chế tác các sản phẩm mộc,” ông Minh chia sẻ.

[Người nông dân đưa hương vị nước mắm quê hương đến với bạn bè quốc tế]

Sau đó, ông Minh tìm hiểu nhiều hơn về giá trị của gỗ mít - loại cây phổ biến trong vườn nhà của người dân miền Trung. Gỗ mít có màu vàng sáng, nếu để lâu có thể chuyển sang màu đỏ thẫm, có mùi hương nhẹ như mùi gỗ trầm. Đặc biệt, loại gỗ này có độ bền và dẻo dai cao, ít xảy ra hiện tượng cong vênh, mối mọt, phù hợp để xây dựng các công trình nhà ở, nhà thờ.

Từ công trình nhà thờ bằng gỗ mít đầu tiên cho vị khách Hà Nội được khen ngợi, đánh giá cao, ông Minh quyết định quay lại với nghề mộc truyền thống của gia đình bằng việc nhận thi công các công trình nhà thờ họ, nhà vườn bằng gỗ mít. Ông Minh tập hợp những tay thợ lành nghề nhất trong vùng về xưởng mộc của mình. Bằng những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo những sản phẩm từ cây gỗ mít được chạm trổ đẹp mắt ra đời, được khách hàng ưa chuộng như bàn thờ, khung cửa, lục bình, khung nhà…

Góp sức bảo tồn, phát huy nghề truyền thống

Tiếng lành đồn xa, ông Minh “mít” không chỉ được khách hàng trong huyện, trong tỉnh tin tưởng tìm đến mà khách từ ngoài tỉnh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lai Châu và Nghệ An đã tìm đến đặt hàng ông dựng những ngôi nhà thờ họ, nhà vườn bằng gỗ mít.

Hàng năm, ông Minh cùng đội ngũ thợ của mình dựng lên hàng chục căn nhà gỗ mít, trị giá mỗi căn từ 500 triệu đến hơn 3 tỷ đồng. Nghề làm nhà bằng gỗ mít của ông Minh đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 30 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ với thu nhập của lao động từ 5 triệu đến cao nhất là hơn 30 triệu đồng mỗi tháng.

Người bảo tồn và phát huy nghề mộc truyền thống của quê hương Hà Tĩnh ảnh 2Ông Minh hướng dẫn thợ làm mộc truyền thống tại thôn Bến Đền, xã Trường Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ông Trần Hưng Đạo, thợ mộc của xưởng mộc Minh “mít” chia sẻ nghề dựng nhà gỗ mít đã tạo việc làm ổn định cho đội thợ mộc địa phương, vừa có thu nhập đảm bảo cho gia đình, vừa trau dồi tay nghề để không quên nghề mộc truyền thống của quê hương.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển và nâng tầm nghề mộc truyền thống của địa phương, ông Minh “mít” còn trăn trở với việc khôi phục sự thịnh vượng của làng nghề mộc truyền thống cha ông để lại. Hiện nay, ông Nguyễn Văn Minh là Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nông dân làm mộc truyền thống thôn Bến Đền, xã Trường Sơn, thuộc Hội Nông dân huyện Đức Thọ.

Chi hội nghề nghiệp nông dân làm mộc truyền thống thôn Bến Đền được thành lập từ năm 2017 đến nay, hiện có 15 thành viên. Chi hội có 3 tổ hội gồm tổ hội đóng thuyền, tổ hội làm mộc và tổ hội làm dịch vụ buôn bán. Từ chính sách hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho vay 1 tỷ đồng, chi hội đã hỗ trợ các hội viên đang gặp khó khăn vay vốn, tạo thêm động lực để yên tâm sản xuất. Với vai trò là chi hội trưởng, ông Nguyễn Văn Minh cùng các thành viên khác trong chi hội đã hỗ trợ kỹ thuật, kết nối đầu ra, thị trường cho sản phẩm mộc truyền thống.

Ông Thái Xuân Hải, thành viên chi hội nghề nghiệp nông dân làm mộc thôn Bến Đền chia sẻ tham gia chi hội, các hội viên được hỗ trợ về mọi mặt. Những hộ làm mộc lớn như xưởng mộc ông Minh sẽ hỗ trợ những hộ làm mộc nhỏ hơn, từ đó tạo động lực để khôi phục lại nghề truyền thống làm mộc của cha ông.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ông Ngô Ngọc Hân nhấn mạnh ông Minh là tấm gương hội viên hội nông dân tiêu biểu đã phát huy và giữ gìn được nghề mộc truyền thống của quê hương. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, ông Minh còn có nhiều đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương như giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn…Với những nỗ lực của mình, ông Nguyễn Văn Minh được đề cử danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục