Người bác sỹ tận tâm với nghề, đóng góp không ngừng nghỉ

Không chỉ giành giật được nhiều bệnh nhân từ tay tử thần, bác sỹ Hoàng còn là người đam mê và thành công trong nhiều kỹ thuật khám chữa bệnh mới.
Người bác sỹ tận tâm với nghề, đóng góp không ngừng nghỉ ảnh 1Bác sỹ Hoàng khám chữa bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/Vietnam+)

Những vần thơ mộc mạc, chân thành, hay những tin nhắn cảm ơn khi bệnh nhân đã xuất viện, là những món quà ý nghĩa nhất mà thạc sỹ-bác sỹ Mỵ Huy Hoàng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) từng nhận được. Bởi đó là tình cảm chân thành, biết ơn của các bệnh nhân khi được bác sỹ Hoàng tận tình cứu chữa.

Tâm sự với chúng tôi, bác sỹ Hoàng cho biết Khoa Hồi sức tích cực là nơi có áp lực làm việc cao vì là khoa thu dung các bệnh nhận có bệnh lý nặng nhất, đang cận kề giữa cái sống và cái chết. Tại đây, bệnh nhân được điều trị đến khi qua cơn nguy kịch mới phân về các chuyên khoa khác.

Khi điều trị cho các bệnh nhân vào Khoa Hồi sức tích cực, các bác sỹ phải chẩn đoán chính xác và quyết đoán trong điều trị, bởi chỉ trong tích tắc là có thể cứu được bệnh nhân. Và vì vậy, việc người bác sỹ đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp, nhanh chóng, kịp thời đối với những bệnh nhân đang ở ranh giới giữa cái sống và cái chết là điều vô cùng quan trọng.

Với tinh thần trách nhiệm, đặt việc cứu chữa cho bệnh nhân lên hàng đầu và cả sự quyết đoán trong chuyên môn, bác sỹ Hoàng đã trực tiếp cứu chữa, cùng đồng nghiệp giành giật bệnh nhân từ tay tử thần về với gia đình, người thân.

Chị Nguyễn Thị Thơ ở Nông Cống tâm sự: “Tôi còn sống được đến ngày hôm nay là nhờ ơn của bác sỹ Hoàng. Cách đây hơn một tháng tôi đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Nông Cống và chuẩn bị ra viện, thì bất ngờ ngừng tim, ngừng thở. Các y bác sỹ tại đây không xác định được nguyên nhân. Khi tôi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sỹ Hoàng đã chẩn đoán nhanh và chính xác là bị nhồi máu phổi do dính ruột gây ra, nên đã xử ký kịp thời. Nếu chỉ chậm một chút nữa thôi, có thể tôi sẽ không bao giờ được gặp lại người thân.”

Nhận xét về bác sỹ Hoàng, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết bác sỹ Hoàng cũng là một trong những người có chuyên môn tốt nhất bệnh viện, lại tận tình trong công việc, nên trong quá trình công tác bác sỹ Hoàng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không để xẩy ra sự việc đáng tiếc nào. Qua đó bác sỹ Hoàng luôn tạo được sự tin yêu của gia đình bệnh nhân.

Không chỉ là một bác sỹ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, bác sỹ Hoàng còn có rất nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Từ năm 2010 đến nay bác sỹ Hoàng đã có tới bảy đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng rộng rãi. Nổi bật trong số đó là đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá kết quả đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn một buồng thất trong điều trị các rối loạn nhịp chậm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa năm 2010-2012.”

Kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để điều trị các rối loạn nhịp tim là một phương pháp điều trị hiện đại, nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, khó thực hiện. Hiện nay kỹ thuật này mới có khoảng 10 tỉnh, thành và những trung tâm tim mạch lớn mới áp dụng thành công.

Với sự đam mê, tận tâm trong nghề nghiệp, bác sỹ bác sỹ Hoàng đã thành công với kỹ thuật mới này. Qua đó giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến ra Hà Nội điều trị như trước đây, góp phần giảm chi phí cho gia đình bệnh nhân, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, bác sỹ Mỵ Huy Hoàng đã được tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của Bộ Y tế. Trong dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ này, bác sỹ Hoàng cũng được tham dự hội nghị điển hình tiên tiên toàn quốc về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được trao tặng các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục