Biểu tình ở Ai Cập. (Nguồn: AFP)
Ngày 27/11, hàng nghìn người dân Ai Cập đã tập trung tại một địa điểm ở trung tâm thủ đô Cairo phản đối Luật biểu tình vừa được ban hành.
Đây là cuộc biểu tình "được cấp phép" đầu tiên diễn ra kể từ khi đạo luật nói trên được Tổng thống lâm thời Ai Cập Atly Mansour ký sắc lệnh phê chuẩn hôm 24/11. Bắt đầu vào 17 giờ chiều (theo giờ địa phương) tại quảng trường Talaat Harb, nằm cách quảng trường Tahrir nổi tiếng và Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) chỉ khoảng 1km, cuộc biểu tình đã kết thúc khá sớm, không xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, cũng như giữa các nhóm biểu tình ủng hộ và phản đối Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah El-Sisi.
Cuộc biểu tình được tiến hành theo lời kêu gọi của nhiều phong trào hoạt động trong đó có phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư" - lực lượng đi đầu trong làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011.
Ngoài việc đòi phóng thích những nhà hoạt động bị bắt giữ hôm 26/11, người biểu tình còn diễu hành trên một số tuyến phố ở trung tâm Cairo và cố ý vi phạm Luật biểu tình, trong đó quy định các nhà tổ chức phải thông báo trước địa điểm biểu tình cho chính quyền.
Ông Basma El Hosseiny, thành viên sáng lập của Mặt trận Cách mạng tuyên bố lực lượng này không bao giờ chấp nhận Luật biểu tình và sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi đạo luật này bị hủy bỏ.
Chiều cùng ngày, chính quyền Ai Cập tuyên bố không có kế hoạch sửa đổi Luật biểu tình, mặc dù Thủ tướng lâm thời Hazem El-Beblawi ngày 26/11 đã tuyên bố về việc thành lập một ủy ban nhằm xem xét lại đạo luật này.
Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục đại học Hossam Eissa nhấn mạnh Ai Cập "đang trong tình trạng chiến tranh chống khủng bố" và cho rằng Luật biểu tình của Ai Cập "tự do hơn so với các đạo luật tương tự của nhiều nước khác trong đó có Anh và Thụy Sĩ."
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Doria Sharaf El-Din cho biết chính phủ sẽ không từ bỏ việc thực thi Luật biểu tình nhằm bảo vệ đất nước.
Luật biểu tình quy định các nhà tổ chức phải thông báo kế hoạch biểu tình cho Bộ Nội vụ trước ba ngày, đồng thời cho phép lực lượng an ninh sử dụng vòi rồng, dùi cui, hơi cay và "các biện pháp leo thang" như sử dụng đạn cao su và đạn bằng kim loại để giải tán biểu tình, cũng như áp đặt các chế tài nặng đối với những người vi phạm. Nhiều lực lượng chính trị, xã hội Ai Cập chỉ trích luật này hạn chế các cuộc biểu tình, tuần hành và hội họp của công chúng.
Các nhà phân tích nhận định điều luật này có thể kích động các cuộc biểu tình bạo lực trong những ngày tới và khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập thêm trầm trọng hơn.
Trong một diễn biến khác, ngày 27/11, một tòa án tại thành phố Alexandria bên bờ Địa Trung Hải đã tuyên phạt hơn 11 năm tù giam đối với 14 thành viên nữ của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), đồng thời ra lệnh giam giữ 7 thành viên nữ khác tuổi từ 15-17 với tội danh kích động bạo lực, tấn công cảnh sát và phá hoại tài sản tư trong các cuộc biểu tình diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.
Ngoài ra, tòa án cũng tuyên phạt 15 năm tù giam đối với 6 thành viên nam khác của MB với tội danh kích động bạo lực.
Vào đầu tháng này, một tòa án ở Ai Cập cũng tuyên phạt 17 năm tù giam đối với 12 sinh viên đại học tấn công khu hiệu bộ Đại học Al-Azhar - cơ quan trực thuộc nhà thờ cổ cùng tên có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập - với tội danh kích động nổi loạn, tấn công các nhân viên của Đại học Al-Azhar và cảnh sát, cũng như phá hủy tài sản công và tài sản tư. Ngoài ra, mỗi sinh viên còn buộc phải nộp phạt 64.000 bảng Ai Cập (hơn 9.000 USD).
Cũng trong ngày 27/11, các công tố viên đã ra lệnh bắt giam 4 ngày đối với 24 nhà hoạt động từng tham gia cuộc biểu tình trái phép trước cửa Hội đồng Shura hôm 26/11. Những người này hiện đối diện với cáo buộc có hành vi côn đồ, tấn công người thi hành công vụ, đánh cắp các thiết bị phát sóng không dây và biểu tình trái phép.
Một nguồn tin tư pháp cho biết chính quyền đã ra lệnh bắt giữ hai nhà hoạt động nổi tiếng, trong đó có thủ lĩnh của phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư" Ahmed Maher, với cáo buộc kích động biểu tình./.