Ngừng việc tập thể ở Nghệ An: Cần sẻ chia giữa công ty-người lao động

Cuộc trao đổi, đối thoại giữa đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Việt Glory và người lao động ở Nghệ An sáng 10/2 vẫn chưa đi đến thống nhất, đặc biệt là nội dung tăng lương cơ bản và phụ cấp thâm niên.
 (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc 5.000 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Glory (Công ty) ngừng việc tập thể từ ngày 7/2, sáng 10/2, tại Công ty, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An), Ban lãnh đạo Công ty đã tổ chức trao đổi và đối thoại trực tiếp với đại diện người lao động.

Tuy nhiên, phía công nhân không cử được đại diện và số người được cử cũng e ngại không dám nói thẳng, nói thật. Ban lãnh đạo Công ty phải đối thoại với số đông người lao động. Do đó, chất lượng cuộc đối thoại không cao, hai bên vẫn chưa đi đến nội dung thống nhất.

Ông Chang Shih Yueh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Glory cho biết: Ngoài dịch COVID-19, tình hình xuất khẩu khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Sau cuộc làm việc với đại diện chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan và bàn bạc, thống nhất trong nội bộ, phía Công ty đã xem xét, giải quyết một số kiến nghị của người lao động.

Riêng với kiến nghị tăng lương, theo quy định của Nghị định 90/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương cơ bản vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.

Công ty hiện áp dụng mức lương 3.670.000 đồng/tháng là không vi phạm so với luật quy định. Năm 2022, Nhà nước không có chính sách tăng lương, vì vậy Công ty sẽ không tăng lương.

[Đồng Nai: Công nhân Công ty Pouchen Việt Nam trở lại làm việc]

Với phụ cấp thâm niên, theo quy định của pháp luật là không bắt buộc và phụ thuộc vào tình hình tài chính, chính sách phúc lợi của doanh nghiệp.

Hiện tại, Công ty không có phụ cấp thâm niên. Các chế độ phúc lợi như thưởng tháng 13, chế độ nghỉ phép... không nằm trong quy định của pháp luật, do đó sẽ được giải quyết theo quy định phúc lợi của Công ty.

“Hiện, Công ty vẫn chưa có kế hoạch đưa tiền thâm niên vào bảng lương mà thực hiện sát hạch tay nghề. Công nhân càng giỏi, mức lương càng cao. Công ty mong muốn công nhân tay nghề giỏi sống được với nghề. Việc ngừng việc của công nhân, Công ty không khẳng định bên nào sai hay đúng, sẽ dựa vào pháp luật và Bộ luật Lao động của Việt Nam để giải quyết,” ông Chang Shih Yueh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Glory cho biết.

Do không có công nhân làm việc trong nhà máy, các đơn hàng Công ty nhận được không thể giao đúng tiến độ và Công ty phải bù lỗ. Một số lượng lớn đơn hàng hiện đã được chuyển sang công ty khác sản xuất. Sự việc này xảy ra, Ban lãnh đạo Công ty cảm thấy buồn, hy vọng công nhân sẽ phản ánh qua tổ chức Công đoàn, tổ trưởng tổ sản xuất hay hộp thư góp ý của Công ty để giải quyết sự việc nhẹ nhàng, êm đẹp hơn giữa hai bên.

Ông Phạm Đức Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu bày tỏ: "Cuộc trao đổi, đối thoại giữa đại diện lãnh đạo Công ty và người lao động sáng 10/2 vẫn chưa đi đến thống nhất, đặc biệt là nội dung tăng lương cơ bản và phụ cấp thâm niên.

Các nội dung khác cơ bản công nhân đã hiểu và chia sẻ cùng Công ty. Nội dung nào đúng, tổ chức Công đoàn ủng hộ. Nội dung nào chưa đúng, hai bên sẽ cùng phối hợp giải quyết. Chúng tôi mong muốn Công ty và người lao động “gặp” nhau, để đảm bảo quyền lợi của hai bên và xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ, ổn định."

Ban lãnh đạo Công ty phải đối thoại với số đông người lao động, do đó chất lượng cuộc đối thoại không cao và hai bên vẫn chưa đi đến nội dung thống nhất. (Ảnh: Bich Huệ/TTXVN)

Chưa tìm được tiếng nói chung giữa người lao động và Công ty, tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương đã và đang tiếp tục tuyên truyền cho người lao động cần chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Công ty cần có chính sách hợp lý để gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động.

Theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Trước đó, vào tháng 2/2020, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Glory đã xảy ra việc công nhân ngừng việc tập thể để yêu cầu giải quyết một số chế độ chính sách. Sau đó, những yêu cầu này đã được Công ty giải quyết ổn thỏa và công nhân tiếp tục đi làm việc trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục