Ngư dân ven biển Tây Nam Bộ vẫn thờ ơ với bảo hiểm tàu cá

Qua hơn 1 năm triển khai một số chính sách hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, ngư dân ở các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ vẫn thờ ơ với bảo hiểm tàu cá.
Ngư dân ven biển Tây Nam Bộ vẫn thờ ơ với bảo hiểm tàu cá ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Để hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó, có chương trình hỗ trợ ngư dân tham gia bảo hiểm thuyền viên và tàu cá. Qua hơn 1 năm triển khai chính sách này ngư dân ở các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ vẫn thờ ơ với bảo hiểm tàu cá.

Nhiều khó khăn khi tham gia

Một trong những khó khăn mà ngư dân cho biết đó là có nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế địa phương, quá nhiều thủ tục, giấy tờ nên họ ngại tham gia bảo hiểm tàu cá, mà chỉ tham gia bảo hiểm thuyền viên.

Theo Nghị định 89/2015/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP), người dân tham gia bảo hiểm thuyền viên sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí, còn tham gia bảo hiểm tàu cá sẽ được hỗ trợ 70% chi phí đối với tàu có công suất từ 90-400CV và hỗ trợ 90% chi phí đối với tàu có công suất trên 400CV.

Hồ sơ phải được Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm, cấp huyện thẩm định báo cáo cấp tỉnh phê duyệt trước khi nộp về công ty bảo hiểm. Điều kiện để tham gia bảo hiểm là chủ tàu phải tham gia tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá của địa phương.

Ông Lê Đồng Dương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết lý do ngư dân chưa tham gia bảo hiểm tàu cá nhiều là một số chủ tàu chưa tham gia tổ đội, hợp tác xã hay nghiệp đoàn nghề cá nên không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm.

Tập quán của ngư dân địa phương là chỉ muốn tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên, không tham gia bảo hiểm thân tàu, thiết bị, ngư lưới cụ vì ngư dân cho rằng ít bị rủi ro tai nạn về tàu, mặc dù Nhà nước hỗ trợ nhưng phải đóng với số tiền khá lớn. Mặt khác, đến nay Nhà nước chưa có quy định bắt buộc phải tham gia bảo hiểm về thân tàu, chỉ khuyến khích là chính.

Ông Liên Văn Lợi, chủ đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở thị trấn Gành Hòa, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết quá trình làm hồ sơ để được tham gia bảo hiểm cũng tương đối phức tạp. Đó là việc lập hồ sơ xác định giá trị con tàu, trình các cấp chính quyền phê duyệt rồi mới tới công ty bảo hiểm duyệt hồ sơ bảo hiểm.

Đối với tàu gia đình đặt đóng, còn có hợp đồng đóng tàu, còn đối với tàu mua cũ từ tỉnh khác, nhiều khi chẳng có giấy tờ gì, nên khi làm hồ sơ bảo hiểm rất khó khăn để cơ quan bảo hiểm xác định độ tuổi, giá trị con tàu.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Chí Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau cho rằng chính sách bảo hiểm của Nhà nước chưa hợp lý, đơn cử như cách tính khấu hao tàu. Công ty bảo hiểm thường tính khấu hao tàu sau 5 năm kể từ ngày hạ thủy, giá trị tàu sẽ chỉ còn 50% và cứ sau mỗi năm họ lại trừ khấu hao từ 5-10% tùy từng tàu.

Ngư dân ở Cà Mau tính khác, mỗi năm họ đều tu sửa tàu, thậm chí có chủ tàu còn nâng cấp con tàu lên cao hơn giá trị khi đóng mới. Có tàu khi đóng mới chỉ khoảng 7 tỷ đồng, nhưng sau 5 năm hoạt động nó được nâng cấp máy móc, giá cố thân tàu, trang bị ngư lưới cụ, lúc này con tàu có giá trị 10 tỷ đồng. Vậy là con tàu đã tăng giá trị lên rất nhiều so với đóng mới ban đầu, nhưng công ty bảo hiểm lại khấu hao giảm chỉ còn 3,5 tỷ đồng, nên giá trị bảo hiểm ít đi, người dân không muốn tham gia bảo hiểm.

Ông Sỹ cũng cho biết ở Cà Mau hiện nhiều tàu có tuổi thọ từ 15-20 năm nhưng vẫn hoạt động tốt và vẫn đảm bảo các điều kiện đăng kiểm. Theo ông Sỹ, tại Cà Mau, số tàu cá và thuyền viên tham gia bảo hiểm so với tổng số tàu đủ điều kiện còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.

Đại diện Công ty Bảo hiểm PVI tại Cà Mau cho biết việc xác định giá trị tài sản để tham gia bảo hiểm vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ là vấn đề rất phức tạp.

Một số chủ tàu kê khai giá trị thực tế của tàu quá cao hoặc quá thấp cũng gây khó khăn trong quá trình đàm phán giá trị với chủ tàu. Hơn nữa người dân cho rằng giá trị con tàu phải tính trên giá trị thực tế, chứ không thể tính khấu hao giảm đi như quy định hiện nay, cũng là một cản trở khi thực hiện chính sách bảo hiểm.

Cần nới lỏng quy định

Ông Đỗ Chí Sỹ cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã có kiến nghị với Bộ Tài chính vấn đề quy định điều kiện tham gia bảo hiểm tàu cá. Cụ thể Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cách xác định giá trị con tàu khi tham gia bảo hiểm dựa trên tấn đăng ký, công suất máy, vật liệu vỏ…

Một số trường hợp không xác định được tuổi của tàu, không tính phần phụ phí bảo hiểm tuổi tàu theo Công văn 15731/BTC-QLBH ngày 29/10/2014 của Bộ Tài chính. Vì trong thực tế hoạt động, hàng năm chủ tàu đều có sửa chữa hoặc nâng cấp tàu nên giá trị con tàu sẽ thay đổi theo từng năm và phần lớn theo hướng tăng lên.

Điều 5 của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách bảo hiểm có được sửa đổi trong Nghị định 89/2015/NĐ-CP, nhưng cũng chỉ mở rộng thêm điều kiện được tham gia bảo hiểm là chủ tàu phải nằm trong nghiệp đoàn nghề cá, thay vì tổ đội, hợp tác xã như trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Rất nhiều chủ tàu ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cho biết nếu thực hiện theo quy định của Nghị định 67/2014/NĐ-CP và của Thông tư 115/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, mất nhiều thời gian của chủ tàu, của Ủy ban Nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và phải cung cấp nhiều hồ sơ, mới được hỗ trợ phí bảo hiểm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tại các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Bình Thuận không thực hiện Điều 10 khoản 2 của Nghị định 67/2014/NĐ-CP mà chỉ thực hiện theo Thông tư 115/2014 của Bộ Tài chính, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Còn ở tỉnh Bạc Liêu, để tháo gỡ vấn đề này theo ông Lê Đồng Dương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương sớm thành lập các tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn cho chủ tàu có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền, vận động ngư dân hiểu về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm tàu cá và thuyền viên khi hoạt động trên biển.

Đối với quy định của Nhà nước, nên có chính sách thông thoáng hơn, nhất là việc giảm bớt thủ tục xét duyệt hồ sơ tham gia bảo hiểm cho ngư dân dễ thực hiện bởi phần lớn các chủ tàu ở Bạc Liêu rất ngại khi lập hồ sơ với quá nhiều loại giấy tờ khác nhau, trong khi trình độ học vấn có hạn.

Qua tìm hiểu về chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, hầu hết ngư dân ở các tỉnh phía Nam đều gặp phải những khó khăn, trở ngại giống như ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, Sóc Trăng. Đặc biệt, là Kiên Giang, tỉnh có số lượng tàu cá lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ nhưng số tàu cá tham gia bảo hiểm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo đại diện Tập đoàn Bảo Việt, họ mong muốn có được một chính sách bảo hiểm tàu cá thông thoáng và thân thiện hơn. Trước mắt, cần sửa đổi quy tắc, điều khoản bảo hiểm; đơn giản hóa thủ tục hay giải ngân nhanh chóng phần ngân sách được hỗ trợ khi doanh nghiệp bảo hiểm đã nộp đầy đủ hồ sơ chi trả theo điều 8 của Thông tư 115/2014; có quy trình xác minh cụ thể để tránh trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bán bảo hiểm theo xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã, nh ưng lại không thu được phần phí hỗ trợ trừ ngân sách Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục