Những ngày đầu tháng 3, ngư dân các địa phương ven biển ở xứ Thanh lại rộn ràng bước vào vụ đánh bắt và chế biến sứa biển.
Không như các loại hải sản khác phải đánh bắt xa bờ, sứa chỉ cần đánh ven bờ, việc đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt sứa lại đơn giản, ít tốn kém hơn so với các nghề chài lưới khác nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân với mức thu 4-10 triệu đồng/chuyến.
Tại cảng cá Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, không khí khẩn trương, nhộn nhịp mỗi khi tàu, thuyền về bến. Tiếng í ới gọi nhau của các chủ tàu, người dân vận chuyển sứa cùng tiếng động cơ của những chiếc môtơ chế biến sứa càng làm không khí thêm nhộn nhịp.
Theo các gia đình chuyên đánh bắt sứa, từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên hơn nửa tháng nay, ngư dân Hoằng Trường đã chuẩn bị đầy đủ thuyền, bè mảng chạy máy công suất từ 30-90CV vươn khơi để thu hoạch sứa.
Từ tờ mờ sáng, từng đoàn thuyền, bè mảng của ngư dân Hoằng Trường tấp nập ra khơi. Đang là chính vụ, sứa rất to, có con nặng 20-25kg.
Đêm đến, sứa thường nổi lên mặt biển để kiếm thức ăn. Đây chính là thời khắc vàng để khai thác sứa. Ngư dân chỉ cần tìm đúng luồng sứa đi ăn, thả lưới vài tiếng đồng hồ là có thể thu lưới để vớt sứa. Khoảng 14 đến 16 giờ, mỗi chuyến thuyền về lại ăm ắp "quà" của biển.
[Phú Yên: Ngư dân trúng đậm mùa ruốc trong chuyến biển đầu năm]
Mỗi chuyến thuyền, bè mảng đi đánh bắt sứa thường có 2-3 người, bình quân mỗi ngày, một bè mảng đánh bắt được khoảng 400-800 con sứa, có thuyền đánh được cả nghìn con.
Với giá sứa tươi trên thị trường hiện tại trung bình khoảng 10.000-12.000 đồng/con, mỗi ngày mỗi bè mảng có thể thu về từ 4-10 triệu đồng. Nhờ hiệu quả mang lại từ con sứa, nhiều ngư dân ở Hoằng Trường đã đầu tư tàu công suất lớn, vươn khơi khai thác sứa tại các vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh), Cô Tô (Hải Phòng)... Sứa sau khi khai thác được bán luôn trên biển cho đội tàu dịch vụ của các tỉnh bạn.
Ngoài đánh bắt, nghề thu mua, chế biến sứa biển cũng là nghề hái ra tiền của rất nhiều người. Xã Hoằng Trường, nơi thu mua, chế biến sứa biển xuất khẩu lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, hiện có 15 cơ sở chế biến sứa lớn nhỏ đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Sứa sau khi đánh bắt được vận chuyển về khu chế biến, rửa sạch và được công nhân cắt miếng, phân loại thành các loại mình sứa (sứa dù), chân sứa, tay sứa... Sau khi phân loại, sứa được chuyển đến bể quay trong vòng 8-10 giờ đồng hồ để loại bỏ bớt nhớt và nước trong thân sứa.
Tiếp đó, sứa được cho vào các bể xi măng ngâm với nước, muối, phèn với độ mặn thích hợp để đảm bảo sản phẩm sứa thành phẩm sạch, dai, giòn sần sật. Đây là khâu đảm bảo chất lượng sứa thành phẩm.
Đặc biệt, quá trình chế biến sứa tươi không cần dùng bất cứ nguyên liệu nào ngoài nước sạch và muối biển. Chính độ mặn của muối sẽ giữ cho sứa thành phẩm bảo quản được lâu từ 1-2 năm.
Sau khoảng 1 tuần ngâm trong bể nước muối, khi các miếng sứa trở nên trong vắt chính là sứa đã "chín." Lúc này, sứa sẽ được mang ra đóng thùng chuẩn bị xuất xưởng.
Sứa biển năm nay được mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sứa Thanh Hóa 2 năm nay không thể xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan... mà chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Anh Trương Đình Hiền (thôn Thành Xuân, xã Hoằng Trường), chủ cơ sở thu mua, chế biến sứa biển Hiền Dung cho biết: "Mùa sứa năm ngoái và năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá sứa thu mua từ thuyền đánh bắt và giá sứa xuất bán ra thị trường giảm rõ rệt. Tuy nhiên, dù khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng tiêu thụ sản phẩm sứa tươi cho ngư dân. Hiện gia đình tôi đang bao tiêu sản phẩm cho khoảng 50 hộ có thuyền đi đánh bắt sứa ở Hoằng Trường."
Đang chính vụ sứa, mỗi ngày gia đình anh Hiền thu mua khoảng 15-20 tấn sứa tươi. Cơ sở chế biến của gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương 450.000 đồng/người/ngày.
Theo anh Hiền, hiện cơ sở của anh bán các sản phẩm sứa thành phẩm với giá 150.000-180.000 đồng/thùng 10kg sứa dù (thân sứa); chân, tay sứa là những phần ngon nhất được bán với giá từ 300-400.000đồng/thùng 10kg.
Sứa thành phẩm có thể chế biến thành nhiều món như nộm sứa, lẩu sứa, canh chua... Đặc biệt món nộm sứa là món ăn vùng biển vô cùng hấp dẫn, thanh mát, mang lại hàm lượng chất dinh dưỡng cao cho cơ thể.
"Trước đây, chân sứa, tay sứa đều được nhập bán sang Trung Quốc. 2 năm gần đây, cơ sở lựa chọn thị trường nội địa để tiêu thụ dù giá có thấp hơn một chút nhưng bù lại sản phẩm đang được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Hiện tại, khách hàng của tôi đã phủ sóng rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, hy vọng các sản phẩm từ sứa của ngư dân Hoằng Trường nói riêng, ngư dân Thanh Hóa nói riêng sẽ trở thành món ẩm thực đặc trưng của xứ Thanh trong mùa du lịch" - anh Trương Đình Hiền cho biết thêm.
Bà Phạm Thị Sinh, thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường chia sẻ: "Con, cháu tôi ở ngoài Hà Nội đông lắm. Cứ mỗi vụ sứa, tôi đều mua gửi ra cho con, cháu. Trước đây, muốn mua sứa chân rất khó nhưng giờ luôn sẵn hàng. Tuy đắt một chút nhưng sứa chân ăn rất giòn và mát, ai cũng thích thậm chí còn nghiện món này. Hôm nay, tôi mua 2 thùng để gửi ra Hà Nội."
Ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Trường khẳng định nghề đánh bắt và chế biến sứa đã có từ lâu đời và đang dần trở thành nghề truyền thống của bà con Hoằng Trường.
Trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh, mỗi vụ sứa, Hoằng Trường có 400 phương tiện chuyên đi đánh bắt gần bờ, trong đó chủ yếu là đánh bắt sứa và cá khoai. Trung bình, mỗi vụ sứa có thể mang về cho người dân xã Hoằng Trường khoảng 80 tỷ từ khai thác và chế biến sứa. Con sứa không chỉ mang lại thu nhập khá cho bà con mà còn trở thành thương hiệu cho xã Hoằng Trường nói riêng, huyện Hoằng Hóa nói chung.
Hiện, xã Hoằng Trường chỉ có khoảng 100 phương tiện đi đánh bắt sứa, duy trì nghề truyền thống của địa phương. Hy vọng vụ sứa năm nay sẽ đem lại thu nhập thật cao cho ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển, phát triển kinh tế địa phương.
Để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản này, ngành Thủy sản Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển khuyến cáo ngư dân và các cơ sở chế biến giữ gìn vệ sinh môi trường trong đánh bắt, thu hoạch, chế biến sứa, tránh gây ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các bãi biển gần khu du lịch như Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia), Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn)./.