Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi không hề nao núng, lo sợ trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam với những hành động khiêu khích vượt quá giới hạn, tấn công phá hoại tàu cá.
Ngược lại, họ càng thêm quyết tâm vươn khơi, can trường bám biển và tự nguyện góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những ngày này, ngư dân ở xóm Cù Lao, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang rất khẩn trương tu sửa tàu thuyền, sắm thêm ngư lưới cụ và nhu yếu phẩm cần thiết để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới theo tiếng gọi của lòng yêu nước.
Tận mắt chứng kiến cảnh Trung Quốc lộng hành trên biển Đông, lão ngư Hoàng Dược Sư, chủ tàu cá Qng 95195-TS ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn không giấu nổi sự tức giận
Ông nói việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan Hải Dương-981 là không hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam. "Dù Trung Quốc có đe dọa đến đâu, tấn công phá hoại cỡ nào đi nữa thì tôi cũng không sợ, vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc."
Ông cho biết đang đầu tư số tiền gần 500 triệu đồng để sửa sang lại tàu cá, mua xăng dầu, thức ăn dự trữ để ngày 20/5 tới sẽ ra khơi, quyết không lùi bước trước việc làm ngang ngược của Trung Quốc.
Không chỉ các lão ngư dày dạn kinh nghiệm thể hiện mạnh mẽ quyết tâm, nhiều ngư dân trẻ cũng đang hừng hực khí thế sản xuất vì lợi ích quốc gia, hòa bình khu vực. Ngư dân Bùi Văn Thắm trú xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho hay anh đi biển đã hơn 10 năm nay, thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy rối nhưng chưa thấy lần nào họ hung hãn, táo tợn như đợt này.
"Được đánh bắt trên vùng biển chủ quyền là niềm tự hào đối với ngư dân trẻ như tôi. Tôi sẽ vươn khơi theo tàu đến khi không còn đủ sức lực mới thôi, phải cho người Trung Quốc biết dân Việt Nam yêu nước và không khuất phục trước cường hào đến chừng nào. Tôi sẽ ngắm nhìn cờ Tổ quốc những lúc lênh đênh trên biển để quyết tâm ấy nhân lên gấp bội," anh Thắm chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Ngọt, Chủ nhiệm hợp tác xã đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh, huyện Bình Sơn, cho biết Bình Chánh hiện có 25 tàu công suất từ 400-900 CV, chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Người dân ở đây gắn bó với nghề biển lâu năm, đây là nguồn thu nhập chủ yếu với họ.
Trước tình hình Biển Đông đang phức tạp, hợp tác xã đã họp thường xuyên với các xã viên sau mỗi chuyến biển để động viên, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, nhà nước; ngăn không cho ngư dân hành động chủ quan để tránh mắc mưu Trung Quốc.
Đồng thời, hợp tác xã sẽ tạo mọi điều kiện, phục vụ tốt hậu cần và hỗ trợ vốn để ngư dân yên tâm bám biển lâu dài, khẳng định chủ quyền biển, đảo. Đến thời điểm này, đa số ngư dân đã tự nguyện ra khơi, tinh thần rất cao.
Để tiếp sức cho ngư dân và duy trì hoạt động đánh bắt xa bờ (đặc biệt là vùng biển đang xảy ra tranh chấp), tỉnh Quảng Ngãi chủ trương hỗ trợ kinh phí lên tới 31,5 tỷ đồng cho ngư dân các huyện, vùng ven biển để mua nhiên liệu; mua bảo hiểm cho chủ tàu và thuyền viên, mua máy thông tin liên lạc…
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cũng phối hợp với các cấp, ngành chức năng tăng cường quản lý tàu cá, huy động sức mạnh đoàn kết trong ngư dân thông qua 7 nghiệp đoàn nghề cá và các tổ, đội đã được thành lập, đảm bảo an toàn tuyệt đối để ngư dân trong tỉnh đồng lòng bám biển, bảo vệ ngư trường, biển đảo quê hương./.