Từ đầu tháng 5 đến nay, tại khu vực biển Đầm Nại (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) luôn nhộn nhịp cảnh ngư dân dùng lưới, vợt bắt cá dìa giống sau đó đem vào bờ bán cho thương lái.
So với mọi năm, lượng cá dìa năm nay xuất hiện nhiều, bà con ngư dân có thể thu nhập hàng triệu đồng chỉ trong vài giờ vớt cá.
Tùy theo kích cỡ, cá dìa giống được thương lái thu mua ngay tại bờ biển hiện với giá dao động từ 2-2,5 triệu đồng/kg. Trước đó, thời điểm đầu vụ cá dìa giống có giá lên tới 7 triệu đồng/kg.
Trung bình mỗi buổi sáng, một người có thể vớt được 1kg cá dìa giống, khoảng 4.000-4.500 cá con.
[Ngư dân Ninh Thuận kiếm tiền triệu cho mỗi giờ vớt cá dìa giống]
Theo ngư dân địa phương, chưa năm nào cá dìa vào khu vực ven bờ biển Đầm Nại dày đặc như năm nay. Nghề đánh bắt cá dìa giống tuy mang lại nguồn thu nhập cao nhưng chỉ duy trì được một khoảng thời gian ngắn, khoảng từ cuối tháng 4 đến tháng 7 dương lịch là hết nên người dân tranh thủ khai thác; năm nay nhờ “lộc biển” cá dìa giống đã giúp cho nhiều ngư dân có thêm nguồn thu nhập.
Cá dìa có nhiều loại, có loại sống ở biển, có loại sống ở cửa sông, vùng nước lợ. Đặc tính của cá dìa là di cư và sống theo bầy đàn.
Khi còn nhỏ, cá con sống chủ yếu ở vùng đầm phá, trưởng thành thì di cư ra biển, tìm đến các ghềnh đá, bãi san hô để sinh sản. Vào mùa sinh sản, trứng cá nở thành cá bột theo thủy triều dạt vào đầm, các bãi bồi, bờ để sinh trưởng và phát triển.
Cá dìa con được thả nuôi trong ở các đầm, nuôi lồng bè sau 6-7 tháng nuôi, cá dìa đạt trọng lượng từ 0,5kg trở lên có giá bán từ 200.000-300.000 đồng/kg (giá bán thay đổi theo trọng lượng, mùa vụ và theo vùng).
Cá dìa là đặc sản của vùng biển Ninh Thuận, không chỉ người dân địa phương ưa chuộng mà cả khách du lịch đều biết đến giá trị thương phẩm của loài cá này bởi chất lượng thịt cá thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như cá dìa nướng muối ớt, cá dìa nấu lá me non, cá dìa nấu lá giang, cá dìa hấp nấm.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, nghề khai thác cá dìa của ngư dân đã có từ lâu, tập trung chủ yếu ở khu vực ven Đầm Nại. Lượng các dìa xuất hiện nhiều đã tạo điều kiện cho ngư dân địa phương có thêm nguồn thu nhập.
Hiện nay, đối với hoạt động khai thác cá dìa giống cũng như các loài thủy sản ngoài tự nhiên, địa phương đang vận động, tuyên truyền bà con chấp hành nghiêm Luật Thủy sản, nâng cao ý thức khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường ven biển để duy trì nguồn lợi thủy sản bền vững.
Hiện nay, cá dìa là một trong những đối tượng nuôi biển cho giá trị kinh tế cao, cá dìa thường được nuôi riêng hoặc thả ghép với tôm, trong ao nuôi, thức ăn của cá dìa chủ yếu là rong, tảo và một phần thức ăn tổng hợp thừa cùng mùn bã hữu cơ.
Mô hình nuôi cá dìa ghép giúp môi trường nước sạch hơn, giảm thiểu được dịch bệnh đang được các vùng nuôi thủy sản ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ áp dụng./.