Theo tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế Oceana, các ngư dân Mỹ đang vứt bỏ lãng phí lượng cá ăn được trị giá khoảng 1 tỷ USD/năm.
Chính phủ Mỹ ước tính số lượng các loại cá đánh bắt ngoài ý định ở mức hơn 907.000 tấn/năm. Điều đáng ngạc nhiên là chất lượng có thể sử dụng của các loại cá này, thường được thả lại biển trong tình trạng không tốt hoặc đã chết.
Nhà khoa học biển Amanda Keledjian, tác giả báo cáo trên, cho rằng ngư dân đang lãng phí một nguồn thực phẩm quan trọng khi bỏ đi số cá đánh bắt được ngoài dự định. Keledjian cho biết ngư dân đang bỏ đi số cá phụ trợ này do một số lý do, trong đó có việc thiếu giấy phép đánh bắt các loài đó, vấn đề hạn ngạch, các quy định hạn chế về kích thước và sự phức tạp trong khâu xử lý số cá dư thừa.
Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Oceana cũng cho hay lượng cá đánh bắt được không trong kế hoạch dự định bao gồm lượng cá hồi (trout) ở Nam Đại Tây Dương và Vịnh Mexico trị giá 45 triệu USD, số lượng sò ốc biển trị giá 20 triệu USD từ Trung Đại Tây Dương và New England, và lượng cá bơn halibut Thái Bình Dương từ Alaska trị giá 53 triệu USD.
Oceana đang kêu gọi áp dụng các sáng kiến kinh tế để khắc phục tình trạng lãnh phí trên, bao gồm khả năng áp dụng thuế đối với các loại cá đánh bắt ngoài dự định, hay tiêu thụ số cá này để bù đắp một phần chi phí và khuyến khích việc sử dụng các thiết bị đánh bắt hiện đại để giảm và tránh đánh bắt các loại cá ngoài dự định.
Theo Oceana, việc đánh bắt các loại cá không trong kế hoạch dự định là một những mối nguy lớn nhất đối với sức khỏe của hệ sinh thái đại dương, góp phần gây ra tình trạng đánh bắt quá mức và sự sụt giảm số lượng cá trên toàn cầu./.