Ngư dân Bình Thuận tiếp cận tàu đánh bắt xa bờ bằng composite

Chi cục quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Thuận phối hợp với Công ty VIJAS cùng Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) tổ chức giới thiệu tàu cá đánh bắt xa bờ bằng vật liệu composite.
Ngư dân Bình Thuận tiếp cận tàu đánh bắt xa bờ bằng composite ảnh 1Ngư dân tham quan tìm hiểu tàu cá đánh bắt xa bờ được làm bằng composite. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Ngày 5/2, tại cảng Phan Thiết (Bình Thuận), Chi cục quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Thuận phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn và đóng tàu Việt-Nhật (VIJAS) cùng Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) tổ chức giới thiệu tàu cá đánh bắt xa bờ bằng vật liệu composite.

Đây là hoạt động nằm trong dự án hỗ trợ hiện đại hóa ngành cá ngừ tại Việt Nam do Tập đoàn Yanmar triển khai.

Lần đầu tiên được tiếp cận với loại tàu bằng vật liệu mới nên ngư dân Bình Thuận rất hào hứng tham quan và tìm hiểu.

Tàu câu cá ngừ đại dương do Tập đoàn Yanmar giới thiệu mang tên VIJAS Research & Training Vessel.

Vỏ tàu được làm bằng vật liệu composite, được Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) chế tạo theo đơn đặt hàng với vốn đầu tư 7,8 tỷ đồng.

Tàu dài 18m, rộng 4,5m, công suất 350CV, tốc độ tối đa 11 hải lý/giờ, có thể hoạt động trong điều kiện gió cấp 7, cấp 8. Ngoài ra, tàu còn trang bị các thiết bị hàng hải, thiết bị đánh bắt hiện đại như máy dò cá, thiết bị định vị.

Chín hầm chứa trên tàu dù có kích thước nhỏ nhưng được thiết kế giữ nhiệt, đảm bảo chất lượng bảo quản hải sản.

Theo Công ty VIJAS, ưu điểm của tàu cá vỏ composite công ty giới thiệu có vận tốc 11 hải lý/giờ, đáy tàu được sản xuất tối ưu hóa nên sức cản nhẹ, tàu đi nhanh do đó rút ngắn thời gian ra ngư trường nên tiết kiệm khoảng 30% nhiên liệu so với tàu gỗ truyền thống (khoảng 25 lít dầu/giờ). Tàu có tuổi thọ tối thiểu 20 năm, chi phí bảo dưỡng mỗi năm thấp hơn nhiều so với tàu gỗ, vỏ sắt.

Ông Vũ Hoàng Quang, Giám đốc Công ty VIJAS, cho biết để giải quyết bài toán kinh phí đóng tàu đồng thời cùng chia sẻ rủi ro với bà con ngư dân, công ty sẽ lựa chọn đối tác có kinh nghiệm trong việc khai thác, thu mua hải sản phối hợp với các ngư dân góp vốn theo tỷ lệ công ty đầu tư 65%, doanh nghiệp thu mua và ngư dân 35%.

Đồng thời công ty cam kết sẽ hướng dẫn ngư dân kỹ thuật câu và bảo quản cá ngừ, đảm bảo tiêu chuẩn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả tốt nhất nhằm giúp ngư dân Bình Thuận yên tâm bám biển.

Sau khi tìm hiểu, nhiều ngư dân cho biết tàu cá vỏ composite có ưu thế nổi bật so với tàu vỏ gỗ là tính an toàn và khả năng bảo quản sản phẩm.

Kết hợp với Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản thì đây sẽ là cơ hội mới cho ngư dân phát triển nghề, nâng cao thu nhập.

Dự án hỗ trợ hiện đại hóa ngành cá ngừ tại Việt Nam do tập đoàn Yanmar triển khai từ năm 2012. Tại Bình Thuận trong năm 2015 dự án sẽ hỗ trợ ngư dân đóng khoảng 20 chiếc tàu nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục