Lâu nay, ngồi thiền vẫn được coi là "liệu pháp vàng" giúp người luyện tập giảm căng thẳng và áp lực, khiến quá trình điều trị bệnh được hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ mới đây công bố nghiên cứu cho thấy phương pháp này không thực sự hữu hiệu như người ta tưởng.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nội khoa của Hiệp hội Y học Mỹ (JAMA) số ra ngày 7/1, các nhà khoa học kết luận rằng lợi ích của thiền định trong điều trị bệnh là không nhiều.
Theo đó, có rất ít hoặc hầu như không có bằng chứng cho thấy ngồi thiền giúp mang lại tâm lý thoải mái, khả năng tập trung cũng như thói quen ăn uống, ngủ nghỉ tốt hơn cho bệnh nhân.
Sau khi tiến hành 47 cuộc thử nghiệm đối với hơn 3.500 bệnh nhân, các nhà khoa học thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết chỉ có 3% số bệnh nhân đáp ứng được các tiêu chí để JAMA đi đến kết luận nói trên. Tuy nhiên, sức khỏe của những người này không được cải thiện rõ rệt.
Mặc dù không mang lại nhiều lợi ích đối với quá trình điều trị bệnh, song các chuyên gia vẫn khuyến khích các bệnh nhân luyện tập ngồi thiền.
Theo ông Madhav Goyal - chủ nhiệm công trình nghiên cứu, thiền định được coi là một trong những phương pháp luyện tập trí óc hiệu quả.
Ngồi thiền là phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng vào giây phút hiện tại. Những người luyện tập được khuyên ngồi thiền khoảng 30 phút mỗi ngày và trong khi thực hành thiền thì thả lỏng cơ thể và thư giãn đầu óc./.