Ngôi nhà nơi trùm phátxít Adolf Hitler chào đời sẽ thành đồn cảnh sát

Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Peschorn cho biết việc sử dụng tòa nhà này trong tương lai sẽ gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng nó sẽ không bao giờ gợi nhớ đến chủ nghĩa phát xít.
Ngôi nhà nơi trùm phátxít Adolf Hitler chào đời. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Ngôi nhà nơi trùm phátxít Adolf Hitler chào đời. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 20/11, Bộ Nội vụ Áo cho biết ngôi nhà nơi trùm phátxít Adolf Hitler chào đời tại miền Bắc nước Áo, giáp giới với Đức, sẽ trở thành đồn cảnh sát địa phương.

Quyết định này được đưa ra sau nhiều năm tranh chấp về mục đích sử dụng tòa nhà này.

Theo bộ trên, tòa nhà rộng 800m2 tại thị trấn Braunau sẽ trở thành văn phòng của lực lượng cảnh sát địa phương.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Peschorn cho biết việc sử dụng tòa nhà này trong tương lai sẽ gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng nó sẽ không bao giờ gợi nhớ đến chủ nghĩa phátxít. 

[Tiết lộ về những phút cuối đời của trùm phátxít Adolf Hitler]

Chính phủ Áo sẽ tổ chức cuộc thi trên toàn châu Âu trong tháng này để tìm ra thiết kế tòa nhà phù hợp với mục đích sử dụng mới. Ban thẩm định gồm các chuyên gia và quan chức sẽ chọn ra thiết kế tốt nhất trong nửa đầu năm tới.

Hitler chỉ sống trong tòa nhà được xây dựng vào thế kỷ thứ 17 này vài tuần đầu tiên sau khi chào đời vào năm 1889.

Tuy nhiên, số phận của tòa nhà này đã trải qua một cuộc tranh chấp pháp lý dai dẳng giữa chính phủ và người chủ cũ Gerlinde Pommer. 

Từ đầu những năm 1970, Chính phủ Áo đã phải thuê lại cả tòa nhà từ bà Pommer với giá khoảng 4.800 euro/tháng và dùng làm trung tâm chăm sóc người khuyết tật.

Năm 2011, bà Pomper phản đối kế hoạch cải tạo cũng như từ chối đề nghị của Chính phủ Áo mua lại tòa nhà. Kể từ sau đó, tòa nhà không còn được sử dụng. Kế hoạch biến tòa nhà hiện đại này thành trung tâm tị nạn cũng đổ bể vào năm 2014.

Bộ Nội vụ Áo khi đó muốn phá bỏ tòa nhà, song vấp phải sự phản đối mạnh của các chính trị gia và nhà sử học.

Cuối cùng, tòa nhà trên cũng chính thức thuộc về Chính phủ Áo sau khi Tòa án tối cao đầu năm nay phán quyết để bà Pomper được nhận khoản bồi thường khoảng 810.000 euro (900.000 USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục