Hình ảnh một gã đàn ông với răng nanh nhọn hoắt và máu đang nhỏ dưới cằm trông không giống như một "mặt hàng" có thể gây sức hút với du khách. Nhưng tại làng Zarozje ở Serbia, cư dân địa phương đang hy vọng việc làm sống lại một huyền thoại ma cà rồng ở đây sẽ giúp họ thu được chút tiền từ những người quan tâm. Bất kỳ ai đi vào ngôi làng nghèo nằm trên núi này ở phía Đông Serbia, gần với biên giới Bosnia, sẽ được đón tiếp bởi một tấm biển cảnh báo lớn rằng họ đang đi vào "vùng đất của ma cà rồng đầu tiên tại Serbia," được biết tới với tên địa phương là Sava Savanovic. Đồng hành cùng biển cảnh báo này là một hình minh họa vụng về vẽ một người đàn ông mặc trang phục dân tộc truyền thống, với răng nanh đang rỉ máu xuống cằm. Trong nhiều năm, cựu lãnh đạo làng, ông Miodrag Jovetic 67 tuổi, đã cố gắng thu hút du khách tới thị trấn có khoảng 1.000 dân này và đã khơi dậy truyền thống để phục vụ cho hoạt động kinh doanh tại địa phương. Gần đây ông đã phát đi một thông điệp cảnh báo rằng phần mái căn nhà nhỏ kiêm xưởng xay sát chạy bằng sức nước của Sava, nằm khuất trong một thung lũng tối bên bờ một con sông, đã bị sập khiến các chủ nhân của nó (tức ma cà rồng) trở nên vô gia cư. Ông cho biết phần mái đã bị sập vào mùa Đông năm ngoái. Lời cảnh báo lập tức có sức mạnh lan tỏa. Đầu tiên các tờ báo địa phương đã nhảy dựng lên trước câu chuyện. Tiếp đó là các hãng truyền thông nước ngoài. Nhiều hãng tin ban đầu dẫn mệnh lệnh của Jovetic khi ông còn làm trong chính quyền địa phương, kêu gọi dân làng tích trữ tỏi và mang theo cây thập giá làm từ gỗ, một vũ khí nổi tiếng chống lại những kẻ hút máu chuyên lang thang vào ban đêm.
Ma cà rồng ở Serbia được gọi là Sava Savanovic (Nguồn: AFP)
"Tôi chỉ đề cập tới một truyền thống mà chúng tôi thừa hưởng từ cha ông. Người dân ở đây rất mộ đạo. Ai cũng có cây thập giá gỗ và chúng tôi đều trồng tỏi" - Jovetic nói. Milun Prokic, người kế nhiệm Jovetic với tư cách người lãnh đạo hội đồng làng, đã nhấn mạnh rằng hội đồng địa phương chưa từng ban bố quyết định kêu gọi người dân mua tỏi để tự vệ. Truyền thuyết nói rằng Sava, kẻ có chiều cao tới 1 mét 9 và sống một mình ở một căn nhà nhỏ, đã biến thành ma cà rồng sau khi chết. Không ai rõ về việc câu chuyện đã xuất hiện từ khi nào. Người ta chỉ đồn nhau rằng bất kỳ ai xin nghỉ đêm ở căn nhà này sẽ phải nhận một kết cục kinh hoàng. Jovetic đã bảo vệ câu chuyện của mình, nói rằng căn nhà cần phải được tu sửa ngay, để Sava không tức giận. Cư dân Zarozje không có Internet, nhưng khi biết tin trên báo chí nói về việc họ đã rất hoảng sợ và phải tích trữ tỏi cũng thánh giá, không ít người đã cười rú lên. "Chúng tôi nên giữ cho truyền thống tồn tại và nếu cần thiết có thể thêm nếm chút gia vị bằng vài lời nói dối vô hại để khiến nó trở thành chủ đề bàn tán về ngôi làng này" - Slobodan Jagodic, một người dân trong làng nói khi rút vài nhánh tỏi từ trong túi ra. "Thật hài hước! Tất cả chúng tôi đều trồng tỏi. Tất cả chúng tôi đều có tỏi và luôn phơi nó trên tường, để dưới mái nhà" - một dân làng khác tên Nikola Jovanovic cho biết. Cơ quan Du lịch Serbia đã không ủng hộ sáng kiến của dân làng Zarojie, nói rằng "dạng niềm tin thần bí này không nên" được sử dụng cho hoạt động quảng bá chính thức. Nhưng theo chuyên gia về lịch sử vùng Balkan James Lyon, trong truyền thống khu vực này, các truyền thuyết về linh hồn quỷ dữ có rất nhiều và gần như mọi nước trong khu vực đều có câu chuyện riêng về ma cà rồng, bắt đầu từ thế kỷ 14.
Cư dân làng Zarozje còn khá lạc hậu, nên vẫn tin vào ma cà rồng (Nguồn: AFP)
Nhưng ông cho biết có sự khác biệt rõ rệt giữa ma cà rồng ở đây và các con ma trong nhiều siêu phẩm Hollywood. "Ma cà rồng trong văn hóa Slave không lấp lánh như trong phim Twilight. Chúng không phải những nhân vật có thể trở thành các anh bạn trai đáng mơ ước như Edward Cullen trong truyện ma cà rồng của Stephanie Meyer" - Lyon nói - "Nếu ma cà rồng cắn anh, anh sẽ không trở thành đồng loại của chúng mà sẽ mất mạng". "Nhà vô địch" ma cà rồng trong khu vực hiện nay là Bá tước Dracula ở vùng Transylvania của Romania. Danh tiếng của Dracula đã nổi tiếng thế giới nhờ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ireland Bram Stoker và nhờ ảnh hưởng khổng lồ của màn bạc./.
Linh Vũ (Vietnam+)