Ngày 4/7, Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahayan cho biết các nước Arab tẩy chay Qatar vẫn đang chờ phản hồi của Doha đối với những đề nghị mà họ đưa ra thông qua nhà trung gian hòa giải Kuwait.
Trả lời tại một cuộc họp báo với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel đang ở thăm Abu Dhabi, ông Sheikh Abdullah cho biết các nước Arab vẫn đang chờ phản hồi của Qatar thông qua Kuwait và sẽ đưa ra quyết định tiếp theo sau khi xem xét những phản hồi đó.
Khi được hỏi liệu các nước Arab có áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Qatar hay không, ông Sheikh Abdullah cho rằng vẫn còn sớm để đề cập đến các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Theo ông, điều này phụ thuộc vào thông tin nhận được từ phía Kuwait cũng như cuộc đối thoại giữa các nước Arab.
[Đức: Tranh cãi ngoại giao vùng Vịnh là cơ hội chống tài trợ khủng bố]
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Gabriel cho rằng tranh cãi ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và các nước láng giềng tạo cơ hội cho toàn khu vực cùng nhau thúc đẩy cuộc chiến chống hoạt động tài trợ khủng bố.
Ngoại trưởng cho biết ông đã nhất trí với người đồng cấp UAE Sheikh Abdullah rằng phải chấm dứt việc bao che hay tài trợ cho các phần tử khủng bố.
Ông Gabriel cho rằng có nhiều cách để ngăn chặn tình trạng leo thang căng thẳng trong khu vực khi Qatar đang đối mặt với sự phong tỏa của các nước láng giềng Arab do bị cáo buộc hỗ trợ khủng bố.
Trước đó ngày 3/7, trong khuôn khổ chuyến thăm vùng Vịnh, Ngoại trưởng Đức Gabriel đã hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia Abdel al-Jubeir.
Ông Gabriel nhấn mạnh một thỏa thuận xuyên khu vực về ngăn chặn tài trợ chủ nghĩa khủng bố sẽ là chìa khóa tháo gỡ tình hình căng thẳng giữa Qatar và các nước Arab láng giềng.
Bốn nước láng giềng của Qatar gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập ngày 5/6 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Phía Doha luôn phủ nhận cáo buộc này. Các nước trên sau đó đưa ra một tối hậu thư gồm 13 yêu sách, đồng thời đặt ra hạn chót cho Doha đáp ứng các yêu cầu này trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 2/7.
Với các nỗ lực hòa giải của Kuwait, các nước Arab và vùng Vịnh ngày 2/7 đã nhất trí gia hạn "thời hạn chót" thêm 48 giờ nữa để Doha thực hiện các yêu cầu. Giới chức UAE và Saudi Arabia cảnh báo Qatar có thể bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, trong đó có khả năng bị loại ra khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nếu Doha không đáp ứng sau hạn chót mới.
Qatar tuyên bố đã chuyển phản hồi của mình đến nhà trung gian Kuwait và 4 nước trên dự kiến thảo luận về những phản hồi này tại cuộc họp trong ngày 5/7 sau hạn chót mới cho Doha./.