Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ chiến tranh với Hy Lạp

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nếu Hy Lạp mở rộng vùng lãnh hải từ 6 hải lý hiện nay lên 12 hải lý thì trên thực tế, sẽ cắt đứt khả năng tiếp cận vùng biển quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ.
Biển Aegea. (Nguồn: AP/TTXVN)

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 29/12 cảnh báo sẽ trả đũa nếu Hy Lạp tiến hành bất kỳ hoạt động mở rộng lãnh hải nào ở biển Aegea, nhấn mạnh động thái của Athens sẽ được coi là hành động khiêu khích có thể dẫn tới chiến tranh.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nếu Hy Lạp mở rộng vùng lãnh hải từ 6 hải lý hiện nay lên 12 hải lý thì trên thực tế, sẽ cắt đứt khả năng tiếp cận vùng biển quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Ankara, bình luận về thông tin Hy Lạp có kế hoạch mở rộng lãnh hải xung quanh đảo Crete, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng, không có 12 hải lý, chúng tôi sẽ không cho phép mở rộng lãnh hải dù chỉ một hải lý ở biển Aegea."

Ông Cavusoglu cũng cảnh báo Hy Lạp không “tìm kiếm sự phiêu lưu."

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Giannis Oikonomou tuyên bố: “Chính phủ Hy Lạp hành xử theo luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia là yếu tố quyết định duy nhất."

[Hy Lạp bác bỏ thông tin đồng ý đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ]

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nicholas Panagiotopoulos tuyên bố lời đe dọa chiến tranh từ phía Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu của chủ nghĩa xét lại khiêu khích chứ không phải cách hành xử của một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trả lời câu hỏi của báo chí về phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo chiến tranh nếu Hy Lạp tiến hành bất kỳ hoạt động mở rộng lãnh hải nào ở biển Aegea, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp nói: "Tuyên bố về hành động khiêu khích có thể dẫn tới chiến tranh liên quan đến khả năng Hy Lạp thực thi quyền hợp pháp là dấu hiệu của chủ nghĩa xét lại khiêu khích chứ không phải cách hành xử của một đồng minh trong NATO."

Bình luận về sự leo thang trong các phát biểu từ Ankara, Bộ trưởng Panagiotopoulos nhấn mạnh Hy Lạp không đe dọa, nhưng cũng không thích bị đe dọa.

Ông nói: "Chính phủ điều hành đất nước và hành động trên cơ sở lợi ích quốc gia và trên cơ sở các quy tắc điều chỉnh sự chung sống hòa bình giữa các quốc gia, đó là luật pháp quốc tế, dựa trên luật pháp quốc tế."

Mặc dù là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã bất hòa trong nhiều thập kỷ liên quan tới các tranh chấp song phương, bao gồm biên giới biển, yêu sách chồng lấn đối với thềm lục địa và vấn đề Cộng hòa Cyprus./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục