Ngoại trưởng Nga, Đức thảo luận về Dòng chảy phương Bắc 2

Hai Ngoại trưởng Lavrov và Mass thảo luận về việc xây dựng đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2 cũng như cuộc khủng hoảng ở Hội đồng châu Âu và các vấn đề khác.
Ngoại trưởng Nga, Đức thảo luận về Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Nga ngày 17/5 thông báo Ngoại trưởng nước này Sergey Lavrov đã tổ chức cuộc thảo luận với người đồng cấp Đức Heiko Mass về xây dựng đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2 cũng như cuộc khủng hoảng ở Hội đồng châu Âu và các vấn đề khác.

Cuộc gặp diễn ra bên lề một kỳ họp của Hội đồng bộ trưởng châu Âu tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết :"(Hai bộ trưởng) đã bàn về một số khía cạnh của công trình đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2 trong bối cảnh Liên minh châu Âu thông qua Chỉ thị khí đốt mới."

Ngoài ra, hai Ngoại trưởng Lavrov và Mass cũng thảo luận về các phương thức khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ Hội đồng châu Âu và các vấn đề quốc tế như tình hình ở Ukraine, Venezuela, khởi động tiến trình chính trị ở Syria.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Gazprom và 5 công ty của châu Âu.

Khi hoàn thành, đường ống khí đốt này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic và Đức.

Dự kiến đường ống này sẽ đi vào hoạt động muộn nhất vào cuối năm 2019.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt theo Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có chiều dài 1.225km, xuất phát từ vịnh Narva thuộc khu vực biên giới giữa Nga và Estonia tới Lubmin, miền Đông Bắc nước Đức, trong đó có 85km đường ống chạy bên trong lãnh thổ Đức.

Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc 1 trước khi rẽ nhánh với tổng chi phí ước tính lên tới 9,5 tỷ euro.

Một số quốc gia đã phản đối dự án, trong đó có Ukraine, do lo ngại mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga trong khi Mỹ có kế hoạch đầy tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục