Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có chuyến thăm tới Canada nhằm nỗ lực củng cố quan hệ song phương trong bối cảnh quan hệ truyền thống giữa hai nước căng thẳng do những bất đồng trong thương mại, trong đó có việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA-gồm Canada, Mỹ và Mexico) mà Washington đề xuất.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, các quan chức Mỹ cho hay đây là chuyến thăm Canada đầu tiên của ông Tillerson kể từ khi ông này đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Trong chuyến công du này, Ngoại trưởng Tillerson dự kiến gặp người đồng cấp Canada Chrystia Freeland, cùng với một số quan chức cấp cao khác của Canada, với các nội dung thảo luận như sự thịnh vượng của hai nước, quốc phòng, an ninh các vấn đề quốc tế.
Ông Tillerson cũng sẽ đề cập đến vấn đề Venezuela, an ninh biên giới hai nước và quan hệ kinh tế song phương.
Liên quan đến việc tái đàm phán NAFTA, giới chức Mỹ nhấn mạnh Washington vẫn tiếp tục thảo luận theo hướng “hiện đại hóa” thỏa thuận thương mại hơn 23 năm này nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại công bằng và có lợi cho các bên.
Ba nước Canada, Mỹ và Mexico đã kết thúc vòng 5 tái đàm phán NAFTA hồi tháng 11 vừa qua mà không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề “gai góc” xuất xứ sản phẩm, nổi bật là đề xuất của Washington về tăng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ôtô từ 62,5% hiện nay lên 85%, trong đó ít nhất 50% tỷ lệ nội địa Mỹ.
Các bên đàm phán đặt ra mục tiêu kết thúc quá trình hiện đại hóa NAFTA vào cuối tháng 3/2018.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bên nào sẵn sàng đưa ra nhượng bộ cần thiết để có thể thực sự tạo được đột phá và đẩy nhanh hơn tiến độ đàm phán.
Căng thẳng hai nước lai gia tăng sau khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) bỏ phiếu nhất trí về việc áp thuế đối kháng 14,25% đối với các mặt hàng gỗ mềm nhập khẩu từ Canada.
Hồi đầu tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ cũng chính thức quyết định áp thuế đối kháng 14,25% và thuế chống bán phá giá 6,58% đối với phần lớn các mặt hàng gỗ mềm của Canada.
Đáp lại, Canada đã khởi động các bước đi pháp lý chống lại quyết định áp thuế của Mỹ thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ NAFTA và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)./.