Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Sri Lanka tim ra giải pháp xử lý khủng hoảng

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ hối thúc quốc hội Sri Lanka tiếp cận vấn đề này với cam kết vì sự cải thiện của đất nước, chứ không phải bất kỳ một đảng chính trị nào.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Sri Lanka tim ra giải pháp xử lý khủng hoảng ảnh 1Người biểu tình cố phá rào chắn của cảnh sát trong cuộc biểu tình ở Colombo, Sri Lanka, ngày 6/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Sri Lanka nhanh chóng tìm ra các giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của quốc gia này.

Bình luận về kế hoạch từ chức sắp tới của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, ông Blinken nói: "Chúng tôi sẽ hối thúc quốc hội Sri Lanka tiếp cận vấn đề này với cam kết vì sự cải thiện của đất nước, chứ không phải bất kỳ một đảng chính trị nào."

Phát biểu với các phóng viên trong chuyến thăm Bangkok (Thái Lan), Blinken cho hay: "Chính phủ đương nhiệm - cho dù đó là một chính phủ mới được lựa chọn theo hiến pháp hay chính phủ hiện tại - phải làm việc nhanh chóng để cố gắng xác định và thực hiện các giải pháp mang lại triển vọng ổn định kinh tế lâu dài."

Trước đó cùng ngày, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Quốc hội Sri Lanka giải quyết tình hình bằng cam kết cải thiện tình hình đất nước.

Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi bất kỳ chính phủ mới nào (của Sri Lanka), được bầu hợp hiến, cần nhanh chóng xác định và thực thi những giải pháp nhằm đạt được ổn định kinh tế dài hạn cũng như giải quyết mối bất bình của người dân Sri Lanka về tình hình kinh tế ngày một xấu đi, trong đó tình trạng thiếu điện, lương thực và nhiên liệu."

Trong khi đó, Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait và Qatar đã khuyến cáo công dân các nước này tránh đến Sri Lanka trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước này.

[Người biểu tình đòi tổng thống, thủ tướng Sri Lanka từ chức]

Trên mạng xã hội, Đại sứ quán các quốc gia vùng Vịnh trên ở Sri Lanka khuyến cáo công dân các nước này không đến gần những người biểu tình và nên rời khỏi Sri Lanka nếu có thể. Du khách nên tránh các chuyến đi đến Sri Lanka cho đến khi tình hình ổn định.

Colombo - thủ đô thương mại của Sri Lanka, đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình lớn ngày 9/7.

Hàng nghìn người biểu tình đã tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống nước này nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 9/7 thông báo sẽ từ chức vào ngày 13/7 để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.

Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.

Trong những tuần gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều đề nghị hỗ trợ Sri Lanka trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang chật vật đương đầu với tình trạng khan hiếm nhiên liệu và lương thực chưa từng có./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

(Bên trái) Bổ nhiệm Giám đốc điều hành mới của bộ phận sản xuất chip của Samsung Electronics. (Ảnh: mk.co.kr/TTXVN)

Mỹ tài trợ gần 5 tỷ USD cho Samsung Electronics

Mỹ đã trao cho tập đoàn Samsung Electronics khoản tài trợ trực tiếp lên tới 4,74 tỷ USD để hỗ trợ cho khoản đầu tư sản xuất chip của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc tại miền Trung Texas.

Nhân viên ngân hàng Công thương kiểm đếm đồng Nhân dân tệ tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản

Trung Quốc quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm ở mức 3,1%, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực vực dậy đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời hỗ trợ đồng nhân dân tệ đang suy yếu.