Ngoại trưởng Mỹ hủy chuyến thăm Philippines vì bão

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Philippines do lo ngại sự ảnh hưởng của cơn bão Nari sắp đổ bộ.
Ngày 10/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Philippines do lo ngại ảnh hưởng của cơn bão Nari sắp đổ bộ vào quốc gia Đông Nam Á này.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Brunei, Ngoại trưởng Kerry cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng cảnh báo Nari là một cơn bão mạnh, với vận tốc gió có thể lên tới 95km/giờ và sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão là 120km/giờ, sẽ đổ bộ vào miền Bắc Philippines vào sáng 11/10.

Tuy nhiên, ông Kerry cũng cam kết sẽ trở lại Đông Nam Á trong "khoảng một tháng" và trong đó có điểm đến Philippines.

Theo kế hoạch trước đó, Ngoại trưởng Kerry sẽ có các cuộc tiếp xúc với giới chức Philippines tại thủ đô Manila trong hai ngày 11-12/10. Dự kiến đây sẽ là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du lần này của ông tới Đông Nam Á gồm Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines.

Trước đó, cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Manila đã cảnh báo công dân nước này về "một loạt các mối đe dọa an ninh" tại khu vực bất ổn miền Nam Philippines, nơi cuộc xung đột tôn giáo đã kéo dài trong nhiều thập kỷ qua.

Trong thông điện khẩn được đưa ra trước khi Ngoại trưởng Kerry thông báo hủy chuyến thăm Philippines, Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết nhiều cá nhân có quan hệ với các nhóm khủng bố và phiến quân đang tiến hành do thám nhiều địa điểm công cộng trong khu vực này.

Các mục tiêu tấn công tiềm tàng có thể bao gồm các sự kiện thể thao lớn, khu dân cư và các khu vực có đông người nước ngoài và người dân địa phương qua lại như trung tâm thương mại, khách sạn hay các địa điểm tôn giáo...

Đại sứ quán Mỹ cảnh báo thành phố Davao và bốn tỉnh khác trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines là những khu vực phiến quân và khủng bố hoạt động mạnh.

Hiện có hàng chục nghìn công dân Mỹ sinh sống tại Philippines, trong đó có một số người tại Mindanao, nơi tình trạng xung đột và bạo lực kéo dài từ những năm 1970 đã khiến ít nhất 150.000 người thiệt mạng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục