Ngày 7/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi đã thảo luận về mối đe dọa của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cuộc gặp diễn ra trước thềm một hội nghị cấp bộ trưởng AL dự kiến tổ chức tại thủ đô Cairo của Ai Cập cùng ngày nhằm bàn về những diễn biến tại khu vực.
Theo một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Kerry và Tổng thư ký al-Arabi đã thảo luận về việc AL và các nước thành viên cần đưa ra lập trường mạnh mẽ trong liên minh quốc tế chống IS.
Hai ông cũng bàn về sự cần thiết phải đưa ra các hành động quyết đoán ngăn chặn các tay súng nước ngoài gia nhập IS, sự hỗ trợ tài chính cho IS hay chống các hoạt động kích động của lực lượng cực đoan này.
Nguồn tin cũng cho biết Ngoại trưởng Kerry và Tổng Thư ký AL nhất trí rằng Iraq là tiền tuyến trong cuộc chiến chống IS, và "Mỹ, khu vực cùng cộng đồng quốc tế phải hợp sức hỗ trợ Iraq đối phó với mối đe dọa này."
Trước đó, Iraq đã hoan nghênh kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thành lập một liên minh quốc tế chống các phần tử thánh chiến, coi đây là "một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ" sau khi Baghdad nhiều lần kêu gọi hỗ trợ chống IS.
Cũng trong ngày 7/9, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ cho biết các máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã tiến hành các đợt không kích đầu tiên nhằm vào lực lượng IS gần đập thủy điện Haditha ở tỉnh Anbar, miền Tây Iraq.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, các cuộc không kích này được tiến hành theo yêu cầu của Chính phủ Iraq, với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh Iraq và các lực lượng bộ lạc đang bảo vệ đập Haditha.
Cuộc không kích nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố IS có thể đe dọa an ninh của đập thủy điện có vị trí chiến lược ở phía Tây này.
Đây là lần đầu tiên Mỹ ném bom IS với sự hỗ trợ của các nhóm bộ lạc Sunni Arab kể từ khi Washington mở chiến dịch không kích tại Iraq hồi đầu tháng Tám này. Các chiến dịch trước của Mỹ chủ yếu có sự hỗ trợ của lực lượng người Kurd ở miền Bắc.
Các đập thủy điện tại Iraq là mục tiêu tấn công chính của IS. Hồi tháng Tư, lực lượng thánh chiến này đã chiếm một đập thủy điện ở ngoại ô thành phố Falluja thuộc tỉnh Anbar, xả lũ gây ngập úng một khu vực rộng lớn ở phía Tây thủ đô Baghdad khiến hàng nghìn người mất nhà cửa.
Giữa tháng Tám vừa qua, lực lượng người Kurd với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu Mỹ đã giành lại quyền kiểm soát đập thủy điện Mosul tại thành phố cùng tên sau hơn 10 ngày bị IS chiếm giữ./.