Ngoại trưởng Mỹ: Bác bỏ TPP sẽ gây phương hại an ninh quốc gia

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định việc không thông qua hiệp định TPP sẽ không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động thương mại trong nước mà còn khích lệ các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Nguồn: AP)

Ngày 28/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời cho rằng việc bác bỏ TPP sẽ gây phương hại lớn cho uy tín và an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Wilson, Ngoại trưởng Kerry khẳng định việc không thông qua TPP sẽ không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động thương mại của Mỹ, mà còn góp phần khích lệ các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời khiến các đồng minh khu vực của Washington hoài nghi quyết tâm xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Nhà Trắng. Ông nhấn mạnh: "Hoặc nước Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo và vai trò trung tâm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoặc là không. Không cũng đồng nghĩa với những thiệt hại nghiêm trọng."

Ngoại trưởng Kerry lưu ý với các nước Trung Quốc hay Triều Tiên, việc Quốc hội Mỹ phản đối TPP sẽ là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của Mỹ, khiến Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang ở Biển Đông và chính quyền Triều Tiên sẽ không dừng chương trình phát triển hạt nhân và thử tên lửa.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng TPP sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, làm sâu sắc hơn các quan hệ thương mại của Mỹ với các thị trường lớn, tăng cường an ninh quốc gia và củng cố vị thế lãnh đạo của Washington tại châu Á cũng như trên toàn cầu.

Tuy nhiên nội bộ Mỹ đang ngày càng tỏ ra bất đồng quan điểm về việc phê chuẩn TPP và hiệp định này đã trở thành vấn đề nóng và nhạy cảm trong cuộc đua vào Nhà Trắng của cả hai ứng cử viên tổng thống của cả đảng Cộng Hòa, tỷ phú Donald Trump, và đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Cả hai ứng cử viên này đều khẳng định sẽ không ủng hộ việc thông qua TPP.

Bà Clinton, người đã ủng hộ TPP khi bà còn giữ cương vị Ngoại trưởng, cho biết lý do khiến bà thay đổi lập trường là TPP không đáp ứng được ba yêu cầu, đó là tạo ra việc làm cho người Mỹ, tăng lương cho người lao động Mỹ và thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ. Trong khi đó tỷ phú Donald Trump gọi TPP là "đòn chí mạng" đối với việc làm trong các ngành sản xuất.

TPP có sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận này đã chính thức được các bộ trưởng từ 12 quốc gia trên ký kết hồi tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán.

TPP hiện đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Nếu có hiệu lực, hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. Theo các nhà kinh tế, TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục