Ngày 29/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã tới Ba Lan, bắt đầu chuyến công du tới một loạt quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nhằm khỏi động cơ chế thương mại song phương, đánh dấu một trong những bước đi đầu tiên trong tiến trình bình thường hóa quan hệ kinh tế với phương Tây sau khi các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran chính thức được dỡ bỏ hồi đầu năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Ba Lan Witold Waszczykowski, ông Zarif cho biết Iran hy vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia sẽ đạt 1 tỷ USD trong năm 2016.
Do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa 2 bên vẫn duy trì ở mức 62 triệu euro (70 triệu USD) trong nhiều năm qua.
Trước đó, hai vị ngoại trưởng đã ký bản ghi nhớ thỏa thuận sơ bộ về hợp tác chính trị song phương.
Tại Ba Lan, ông Zarif cùng phái đoàn kinh tế Iran còn tham dự diễn đàn kinh tế song phương tại Warsaw vào ngày 30/5.
Dự kiến, ông Zarif sẽ tới các nước thành viên EU khác gồm Phần Lan, Thụy Điển trước khi kết thúc chuyến công tác tại Latvia vào ngày 2/6.
Các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được dỡ bỏ hồi tháng 1/2016 sau khi quốc gia này và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận lịch sử gọi là JCPOA vào tháng 7/2015, theo đó, Tehran cam kết cắt giảm các hoạt động hạt nhân như làm giàu urani.
Kể từ đó, Iran đã bắt đầu triển khai chiến dịch thúc đẩy thương mại với các đối tác nước ngoài, trong đó hầu hết các cường quốc phương Tây đều tuyên bố sẽ ủng hộ việc tăng cường quan hệ thương mại với Tehran.
Hai tuần trước, Ngoại trưởng Iran cũng đã yêu cầu Mỹ có những bước đi cụ thể để khuyến khích giới đầu tư tìm tới Tehran trong bối cảnh Washington vẫn duy trì một số biện pháp trừng phạt với lý do Tehran tài trợ cho một số phong trào vũ trang ở Trung Đông và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Do đó, hầu hết các ngân hàng của châu Âu, vốn đều có chi nhánh tại Mỹ, đều e ngại khi đổ vốn về Iran./.