Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đề cao liên minh quân sự với Mỹ

Bà Kang Kyung-wha thăm căn cứ không quân Osan của Mỹ ở Pyeongtaek trong bối cảnh đến nay giới chức hai nước vẫn chưa nhất trí về chia sẻ chi phí duy trì 28.500 binh lính thuộc USKF.
Bà Kang Kyung-wha tới thăm căn cứ không quân Osan của Mỹ ở Pyeongtaek. (Nguồn: Yonhap)

Ngày 7/12, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã tới thăm căn cứ không quân Osan của Mỹ ở Pyeongtaek, phía Nam thủ đô Seoul, để động viên các binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ.

Tại đây, bà đã đồng thời nhấn mạnh tới tầm quan trọng của liên minh Hàn-Mỹ "trong mọi hoàn cảnh và mọi mục đích."

Chuyến thăm của bà Kang Kyung-wha diễn ra trong bối cảnh đến nay, giới chức hai nước vẫn chưa nhất trí về chia sẻ chi phí duy trì 28.500 binh lính thuộc Các Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USKF).

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Ngoại trưởng Kang Kyung-wha nhấn mạnh rằng liên minh Hàn-Mỹ, vốn đã có gốc rễ vững chắc dựa trên những giá trị chung như nền dân chủ tự do và kinh tế thị trường, có vai trò quan trọng trong mọi hoàn cảnh và mọi mục đích. Bà cũng lưu ý rằng sự xuất hiện của các binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ - những người làm việc với nhau và chia sẻ cuộc sống hàng ngày, là bí quyết để chúng ta duy trì liên minh vững chắc trước mọi thử thách."

Tại căn cứ này, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cũng hội đàm với Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Không quân Hàn Quốc, Trung tướng Hwang Seong-jin và Chỉ huy Không quân 7 của Mỹ, Trung tướng Kenneth S. Wilsbach. Ngoài ra, bà cũng trao tặng các quan chức quân sự tại đây những món quà do Bộ Ngoại giao quyên góp để bày tỏ sự cảm kích trước những nỗ lực của các binh sỹ bảo vệ Hàn Quốc.

[Đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Mỹ-Hàn Quốc thất bại]

Trước đó, ngày 4/12 vừa qua, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc vòng đàm phán thứ tư về chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của USFK với những bất đồng về khoản đóng góp của Seoul. Hai bên đã nhất trí tiến hành gặp nhau lần nữa tại Seoul trước cuối tháng này để tiếp tục đàm phán.

Cho đến nay Washington vẫn yêu cầu Seoul tăng gấp 5 lần mức đóng góp lên gần 5 tỷ USD vào năm tới. Trong khi đó, Seoul coi đây là yêu cầu không hợp lý. Theo thỏa thuận giữa hai bên, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước.

Hàn Quốc luôn nhấn mạnh quan điểm đàm phán phải được tiến hành trong khuôn khổ Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) giữa hai nước, và phải đạt được một thỏa thuận "công bằng, hợp lý và hai bên cùng chấp nhận" để có thể đẩy mạnh quan hệ đồng minh giữa hai nước cũng như vị thế quốc phòng của hai nước đồng minh.

Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, bao gồm các chi phí tuyển dụng người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục