Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong nhận định chính sách mới của Mỹ về Triều Tiên là "thực tế," khi chính sách này bao gồm các thỏa thuận trong quá khứ với Bình Nhưỡng, trong đó có thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh hồi năm 2018 với cam kết chính quyền Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình PBS ở Washington ngày 20/5 (theo giờ Mỹ), Ngoại trưởng Chung Eui-yong nêu rõ: "Đó là một cách tiếp cận thực tế... Chính phủ Mỹ quyết định tiếp tục duy trì tính liên tục trong các cuộc đàm phán, dựa trên những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được cho đến nay... bao gồm Tuyên bố Panmunjom hồi tháng 4/2018 và thỏa thuận đạt được tại Singapore."
Nhận định trên được Ngoại trưởng Chung Eui-yong đưa ra một ngày trước khi Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tổ chức hội đàm thượng đỉnh trực tiếp, trong đó nội dung phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ là chủ đạo trong chương trình nghị sự.
[Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa]
Hồi đầu tuần này, Điều phối viên Chính sách của Nhà Trắng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - ông Kurt Campbell, cho biết cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Triều Tiên sẽ "dựa trên thỏa thuận tại Singapore và các thỏa thuận khác mà các chính quyền trước đó đã đạt được," cụ thể là hai thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ký kết giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như giữa Mỹ và Triều Tiên.
Trong các thỏa thuận này, phía Bình Nhưỡng đều cam kết sẽ nỗ lực hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên."
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn trên, Ngoại trưởng Hàn Quốc bày tỏ hy vọng các bên "có thể đạt được tiến bộ đáng kể hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai."
Theo ông Chung Eui-yong, việc tiếp xúc trực tiếp với Triều Tiên ở cấp cao hơn là "rất hiệu quả" trong việc đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân, tuy nhiên "chưa đến lúc" để Tổng thống Biden và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau.
Ông cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm thêm nhiều điều cơ bản trước khi các nhà lãnh đạo cao nhất gặp nhau lần này. Tôi biết Mỹ đang tiếp cận với Triều Tiên. Tôi hy vọng Triều Tiên sẽ hưởng ứng sáng kiến này."
Sau nhiều tháng xem xét lại các chính sách đối với Triều Tiên, giới chức Mỹ đã chỉ ra rằng đây sẽ là cách tiếp cận "có điều chỉnh và thực tế," đồng thời sẽ không tập trung vào việc đạt được một bước tiến lớn, cũng như sẽ không dựa vào sự kiên nhẫn chiến lược - một cách tiếp cận đã được áp dụng từ thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, đó là chờ đợi để Triều Tiên thay đổi quan điểm trong khi vẫn duy trì sức ép./.