Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Ngoại trưởng các nước láng giềng của Libya ngày 30/8 đã bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Algiers của Algeria. Sự kiện này là một phần trong những nỗ lực nhằm hỗ trợ Libya tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới.
Hội nghị trên được tổ chức theo hình thức họp kín, dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày. Các Ngoại trưởng của Algeria, Libya, Ai Cập, Sudan, Niger, Chad và Congo với tư cách là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU) cùng với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit, Ủy viên AU phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh Bankole Adeoye và ông Jan Kubis - Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya đã tham dự hội nghị.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra nhấn mạnh hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước láng giềng của Libya đang góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này. Ông khẳng định sự cần thiết phải “tiếp tục nỗ lực thống nhất các thể chế nhà nước ở Libya và đạt được mục tiêu hòa giải,” đồng thời tiếp tục vận động “rút lính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya sớm nhất có thể.”
[Hơn 100 người di cư được cứu trong vụ lật thuyền ngoài khơi Libya]
Phát biểu bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã đánh giá cao công việc của Ủy ban láng giềng Libya nhằm “hỗ trợ sự ổn định và chủ quyền của Libya,” đồng thời duy trì khả năng của người Libya tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Shoukry cho rằng sự tham gia của tất cả các nước láng giềng của Libya tại hội nghị Algiers sẽ góp phần củng cố những mục tiêu trên và cuối cùng sẽ mang lại hòa bình lâu dài ở nước này.
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc Jan Kubis nhấn mạnh Libya cần phải nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để có thể tổ chức các cuộc bầu cử trong tháng 12 tới.
Ông Kubis nêu rõ: “Chính phủ Libya đã triển khai những biện pháp cần thiết để tổ chức bầu cử, nhưng cần có một khuôn khổ pháp lý… Các thành viên của Quốc hội Libya đang cố gắng hoàn thiện luật bầu cử và thời gian đang cạn dần.”
Theo Đặc phái viên Liên hợp quốc, chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya được Liên hợp quốc hậu thuẫn đã phân bổ ngân sách cần thiết cho các cuộc bầu cử và các nghị sĩ nước này không nên lãng phí thời gian. Ông cũng kêu gọi các nước láng giềng của Libya cử quan sát viên theo dõi bầu cử tại quốc gia Bắc Phi này.
Hội nghị nên trên nhằm hỗ trợ các phe phái ở Libya đạt được mục tiêu hòa giải dân tộc và đề ra lộ trình tổ chức các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán gần đây ở Geneva (Thụy Sĩ) đã bộc lộ những chia rẽ sâu sắc về thời điểm tổ chức, hình thức và cơ sở hiến pháp của các cuộc bầu cử. Sự chia rẽ này có nguy cơ đẩy Libya trở lại tình trạng khủng hoảng./.