Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng mọi biện pháp cần thiết, trong đó có cả các lệnh trừng phạt, khi thương lượng với lực lượng Taliban hiện đang nắm quyền kiểm soát ở Afghanistan.
Trong một bài viết được đăng tải trên tờ The Telegraph ngày 28/8, nhà ngoại giao Anh nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải hiểu rõ về Taliban và giảm bớt cách tiếp cận của mình với phần lớn quan điểm thực tế. Để gây ảnh hưởng đối với hành vi của lực lượng này, cộng đồng quốc tế phải hợp tác và sử dụng tất cả các đòn bẩy theo như đề xuất của chúng tôi, đó là: thực hiện một cách tiếp cận nghiêm ngặt đối với vấn đề viện trợ, tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và các biện pháp trừng phạt..."
Cũng theo Ngoại trưởng Raab, các đòn bẩy ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào các quyết định mà Taliban đưa ra, liên quan việc cho phép rời khỏi Afghanistan một cách an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nhân đạo hoạt động.
[The Times: Anh để lộ liên lạc của nhân viên ngoại giao ở Afghanistan]
Ông nêu rõ cộng đồng quốc tế cần tận dụng tối đa tầm ảnh hưởng của mình để tác động tới lực lượng Taliban trong thời gian tới.
Quan chức ngoại giao Anh cũng cho biết nước này đang phối hợp với các nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, để xem xét khả năng hoạt động của Nhóm Liên lạc quốc tế về Afghanistan.
Trong một diễn biến khác, ngày 29/8, đặc phái viên của Nga ở Afghanistan, ông Zamir Kabulov, nhận định ảnh hưởng của lực lượng Taliban đối với các quốc gia Trung Á không phải là điều đáng quan tâm vào lúc này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS (Nga), ông Kabulov cho biết: “Tôi nghĩ đây không phải vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Tôi tin chắc rằng Taliban không hướng tới việc đó. Họ đã rút ra được bài học từ 20 năm trước."
Đánh giá của ông Kabulov được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/8 đã nêu bật sự cần thiết phải ngăn chặn tư tưởng Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan xâm nhập và "len lỏi" vào khu vực Trung Á, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ hoạt động buôn bán ma túy ở Afghanistan.
Theo Điện Kremlin, tại cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) được tổ chức trực tuyến, Tổng thống Putin cùng các lãnh đạo Trung Á đã nhấn mạnh phải ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan tiếp cận và gây phương hại đến khu vực này.
Các bên cùng bày tỏ quan ngại việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn có chỗ đứng ở Afghanistan và là một mối đe dọa đối với an ninh khu vực, do đó cần phối hợp hành động chung trong vấn đề Afghanistan.
Do Afghanistan nằm sát các nước có biên giới với Nga, nên Moskva lo ngại các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể xâm nhập vào các quốc gia thuộc Liên Xô cũ sát Afghanistan, rồi sau đó vào Nga./.