Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển đất nước

Ngành Ngoại giao góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia, vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, góp phần tăng kim ngạch thương mại lên trên 500 tỷ USD vào 2019.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao, sáng 7/12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo “Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước.”

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các cán bộ lão thành cùng đông đảo đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định những thành tựu mà công tác ngoại giao kinh tế có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và sự chung tay phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Thành công đó còn phải kể tới những đóng góp quan trọng, quý báu của thế hệ các đồng chí lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác ngoại giao kinh tế qua các thời kỳ, những người đã say mê nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao kinh tế ngay từ các những bước đi chập chững đầu tiên.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang đã qua, công tác ngoại giao kinh tế đã thực sự có những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao tích cực tìm hiểu, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế, các xu thế phát triển của kinh tế thế giới, từ đó tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong công tác hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ngành Ngoại giao góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào việc tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD vào năm 1986 lên trên 500 tỷ USD vào năm 2019.

Bộ Ngoại giao cũng tích cực vận động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI tăng từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lên 38 tỷ USD vào năm 2019…

[APEC đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, phục hồi kinh tế bền vững]

Các hoạt động xúc tiến quảng bá bên lề các hoạt động cấp cao, các sự kiện xúc tiến tổng hợp như chuỗi Tuần, Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hội nghị, tọa đàm, sự kiện quảng bá về đầu tư, thương mại, du lịch do các Cơ quan đại diện tổ chức... đã phát huy hiệu quả tối đa, góp phần khẳng định với bạn bè thế giới về một Việt Nam phát triển, năng động, giàu bản sắc, giúp mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh tế cho đất nước.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và tạo lập khuôn khổ quan hệ ổn định với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Bộ Ngoại giao đã chủ động lồng ghép nội dung hợp tác kinh tế vào tiếp xúc cấp cao, đồng thời tích cực hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy nhằm cụ thể hóa các thoả thuận, cam kết cấp cao.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao tích cực tham gia vận động, đàm phán, ký kết, đưa vào thực thi 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác then chốt, trong đó có các FTA thế hệ mới, quan trọng, mang lại nhiều cơ hội to lớn về thương mại, đầu tư, công nghệ, lao động cho đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu…

Bộ Ngoại giao chủ động trong tham mưu, đề xuất về sự tham gia và đóng góp sáng kiến của Việt Nam tại các tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, giúp tiếp cận các nguồn lực phát triển và bảo vệ các lợi ích thiết thực của đất nước.

Với mục tiêu phục vụ quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp được Bộ Ngoại giao coi trọng, quan tâm triển khai thực chất trong thời gian qua.

Theo đó, Bộ Ngoại giao đã tích cực hợp tác, hỗ trợ, song hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế, giúp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất-nhập khẩu, kết nối với các đối tác tiềm năng, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch, chuyển giao công nghệ… Qua đó, tất cả cùng nhau tạo nên những thành tựu chung, quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước.

Về các nhiệm vụ cụ thể, công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Thường trực Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng ngành ngoại giao cần tiếp tục bám sát tình hình, xu thế phát triển của kinh tế thế giới để nhanh nhạy, kịp thời tham mưu Đảng và Chính phủ những giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế phù hợp với bối cảnh khu vực và thế giới, các lợi ích chiến lược của đất nước; tận dụng tốt, phát huy hiệu quả vai trò, vị thế của đất nước hiện nay mà các thế hệ đã dày công gây dựng.

Các giải pháp triển khai ngoại giao kinh tế cần được đa dạng hóa cả về hình thức, quy mô... đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; bắt kịp với xu hướng của thời đại, tăng cường sử dụng những công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ.

Công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế cần được quan tâm, chú trọng, đầu tư hơn nữa cho theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, hiện đại, tâm huyết với công việc.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá bối cảnh quốc tế và khu vực hiện đang tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường với những biến động mạnh mẽ, chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19, xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuỗi sản xuất, cung ứng…

Trong khi đó, đất nước ta cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thời kỳ mới của hội nhập quốc tế. Điều này đặt ra cả những thách thức, cơ hội mới, đòi hỏi công tác ngoại giao kinh tế tới đây sẽ phải đổi mới mạnh mẽ về cách làm để đáp ứng được tình hình mới, tiếp tục nâng cao hiệu quả./.

Bộ Ngoại giao luôn tích cực hợp tác, hỗ trợ, song hành với doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại. (Ảnh: TTXVN phát)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục