Ngoại giao kinh tế - Công cụ giúp Ireland đối phó với Brexit

Chính phủ Ireland vừa công bố kế hoạch sẽ tăng sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao kinh tế của nước này lên gấp đôi từ nay đến năm 2025 do lo ngại nền kinh tế sẽ bị suy giảm do tác động của Brexit
Ngoại giao kinh tế - Công cụ giúp Ireland đối phó với Brexit ảnh 1(Nguồn: alphawealth.ie)

Chính phủ Ireland vừa công bố kế hoạch sẽ tăng sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao kinh tế của nước này lên gấp đôi từ nay đến năm 2025 do lo ngại nền kinh tế sẽ bị suy giảm do tác động của Brexit.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết nước này chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn về cả chính trị và kinh tế do Brexit mang lại.

Ireland thấy rằng họ cần thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu nhằm bù đắp lại cho những thiệt hại do việc Anh rời khỏi EU. Do vậy, Chính phủ bên cạnh tăng sự hiện diện của các đơn vị ngoại giao kinh tế trên khắp thế giới, Ireland sẽ tăng đáng kể nguồn lực cho các hoạt động thúc đẩy đầu tư nước ngoài, quảng bá du lịch và giới thiệu về các sản phẩm nông nghiệp của Ireland ra thế giới.

Sarah Freeman, Giám đốc chính sách của phòng thương mại Ireland, cho rằng việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu năm 2019 khiến Ireland phải xây dựng các liên kết thương mại mới, thu hút đầu tư và du khách đến Ireland. Mặc dù tuần trước Anh công bố quan điểm hướng tới tự do đường biên giữa Anh và Ireland thời hậu Brexit.


[Ireland hoan nghênh lập trường của Anh về vấn đề biên giới]

Theo báo cáo liên ngành giữa Bộ Tài chính và Viện nghiên cứu Xã hội và Kinh tế của Ireland đưa ra hồi tháng 1/2017, xuất khẩu của nước này sang Anh có thể sẽ bị giảm 30% trong 1 thập kỷ nếu xảy ra Brexit "cứng."

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu hàng lớn nhất của Ireland. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào nước này chủ yếu là lĩnh vực công nghệ và dược.

Trong tổng số hàng hóa của Ireland xuất khẩu sang thị trường EU, 1/5 số lượng này được xuất sang Anh với những mặt hàng chủ yếu là thực phẩm và đồ uống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục