Ngoại giao góp phần quan trọng nâng cao vị thế Việt Nam

Ngoại giao góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Kể từ ngày thành lập 28/8/1945, ngành ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoại giao góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành ngoại giao. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Kể từ ngày thành lập 28/8/1945, ngành ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước kia, cũng như sự nghiệp Đổi mới, hội nhập và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay, góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.


Bài học đầu tiên nhưng vô cùng quý giá

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 15 bộ, trong đó có Bộ Ngoại giao.

Những năm đầu mới thành lập, ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo và tham gia trực tiếp của Bác Hồ, đã góp phần bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ.

Trong bối cảnh đất nước phải đối phó với thù trong giặc ngoài, sách lược ngoại giao “hòa để tiến” đã tranh thủ thời gian cho Cách mạng củng cố lực lượng, chuẩn bị trường kỳ kháng chiến. Trong giai đoạn này, ngoại giao đã rút ra được những bài học đầu tiên nhưng vô cùng quý giá, đó là bài học về nguyên tắc “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu,” về chủ trương “thêm bạn, bớt thù,” về phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến,” về sách lược “lợi dụng mâu thuẫn giữa kẻ thù”... để từ đó đặt nền móng cho thắng lợi của các thời kỳ tiếp nối.

Nói về đóng góp của ngành ngoại giao, giáo sư-nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh qua 70 năm hoạt động ngoại giao, quan trọng nhất là kiên trì mục tiêu độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam trải qua hai cuộc kháng chiến, với ba bản hiệp định: Hiệp định Sơ bộ (năm 1946), Hiệp định Geneve (năm 1954), Hiệp định Paris (năm 1973), nhằm đạt được mục tiêu các nước trên thế giới công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh sự nỗ lực của toàn dân và các hoạt động cần thiết của Bộ Quốc phòng thì Ngoại giao có vai trò cực kỳ quan trọng. Ngoại giao làm cho thế giới hiểu rằng, mục tiêu đấu tranh của Việt Nam chính là nền độc lập, chủ quyền, vì sự toàn vẹn lãnh thổ, thu hút được sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình, tiến bộ và dân chủ trên thế giới.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân, ngoại giao vừa đấu tranh phá vỡ thế bao vây, vừa nỗ lực mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ, chi viện của bạn bè quốc tế cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) cho rằng: “Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thế kỷ 20, chúng ta đã kết hợp nhuần nhuyễn sách lược “đánh và đàm” và đã giành thắng lợi. Vai trò của ngoại giao như một mặt trận thể hiện nổi bật trong hai giai đoạn. Những năm 1945-1946, khi lực lượng quân sự của ta còn non trẻ, ngoại giao phục vụ bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quân sự và chính trị, tạo thành sức mạnh tổng hợp; tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược giải phóng miền Nam và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu lớn về nhiều mặt, gắn nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội, phá thế bị bao vây, cô lập, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế với đà tăng trưởng ngày càng cao, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được củng cố, quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, uy tín, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao.”

Nâng cao vị thế Việt Nam

Bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã sớm xác định nhiệm vụ đối ngoại trong thời kỳ mới là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định cho mục tiêu phát triển kinh tế. Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, đến nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 nước, quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các trung tâm kinh tế-chính trị hàng đầu, các nước bạn bè truyền thống và đối tác tiềm năng ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững hơn.

Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao cũng góp phần tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để kiều bào ta ngày càng hướng về Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Công tác biên giới lãnh thổ đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là việc lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, hai bên đã hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và ký các văn bản pháp lý liên quan.

Nhấn mạnh về những đóng góp của Bộ Ngoại giao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cho biết Bộ Ngoại giao đã có những đóng góp to lớn vào thành công chung của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giai đoạn đầu thời kỳ mở cửa (từ năm 1986-1995), Bộ Ngoại giao đã đi đầu trong việc vận động các nước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đặc biệt đã góp phần vận động sự ủng hộ của Liên hợp quốc, các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới nối lại quan hệ với Việt Nam.

Giai đoạn sau khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 1995-2006, Bộ đã cùng với Bộ Công Thương và các bộ chuyên ngành khác triển khai việc đàm phán tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế; đàm phán và ký kết các hiệp định hội nhập kinh tế quốc tế song phương, khu vực và đa phương.

Giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 đến nay, Bộ Ngoại giao đã cùng với Bộ Công Thương và các bộ chuyên ngành khác tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và vận động công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Đánh giá về những đóng góp của ngoại giao trong sự nghiệp phát triển đất nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương chia sẻ nếu trong những năm tháng kháng chiến, ngoại giao là một mặt trận chiến lược quan trọng, phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị để bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước thì bước vào thời kỳ Đổi mới, công tác ngoại giao phục vụ kinh tế trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Với vai trò mở đường, phát huy sức mạnh của ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, ngành ngoại giao đã khai thông, mở rộng và đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu; đi tiên phong trong việc khai mở các thị trường, các lĩnh vực hợp tác quốc tế mới.

Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam có được quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi và bình đẳng với các nước ở khắp các châu lục như ngày nay. Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Ngày nay, thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là dân tộc yêu chuộng hòa bình, quật cường, anh dũng trong chiến tranh, mà còn là đất nước đổi mới thành công, thân thiện, có nhiều tiềm năng, kinh tế phát triển năng động, tích cực tham gia vào các công việc quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Trong những thành tựu đáng tự hào đó của cả dân tộc, có sự đóng góp đáng kể của ngành ngoại giao trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai có hiệu quả ba trụ cột đối ngoại là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, kết hợp với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Giáo sư-tiến sỹ Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại đúng đắn, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước. Việt Nam đã đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng, đưa khuôn khổ quan hệ đ ã xác lập đi vào thực chất.

“Những chuyến thăm ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc, Hoa Kỳ... và những chuyến thăm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước được triển khai rộng khắp thế giới, cùng với việc chúng ta tiếp đón những nguyên thủ và l ãnh đạo các nước tới Việt Nam, là minh chứng hùng hồn về thế n ước đang lên, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định vững chắc,” giáo sư-tiến sỹ Vũ Văn Hiền nhấn mạnh.

Giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước

Trước tình hình mới đòi hỏi ngoại giao phải chủ động và sáng tạo hơn, nhạy bén và hiệu quả hơn, phối hợp chặt chẽ với các ngành quốc phòng, an ninh, kinh tế, tư tưởng văn hóa... để tạo ra sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải cho rằng trong lịch sử chưa bao giờ Việt Nam có được vị thế quốc tế cao như hiện nay. Tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến," ngành ngoại giao cần “lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc” và “lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất."

Trong thời gian tới, ngành cần xác định việc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đảm bảo an ninh là mục tiêu quan trọng thường trực. Mục tiêu nâng cao vị thế quốc tế có ý nghĩa quan trọng và lâu dài, nhất là khi đất nước đang hội nhập sâu rộng.

Giáo sư Vũ Dương Ninh chia sẻ 70 năm qua ngoại giao đã thực hiện được nhiệm vụ của mình, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, đem lại thắng lợi, sự phát triển cho đất nước. Bây giờ trong sự phát triển của đường lối đổi mới thì ngoại giao cũng vẫn cần thực hiện đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa, tăng cường lực lượng ủng hộ Việt Nam, tức là làm bạn ngày càng sâu hơn, rộng hơn. Nhờ đó, Việt Nam đẩy mạnh cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập tự chủ, đặc biệt là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các đường biên giới trên bộ, biển đảo.

Với kinh nghiệm đó, với đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với đội ngũ cán bộ ngoại giao ngày càng đông đảo và nhiều kinh nghiệm, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh.

Trong bài viết mới đây "Ngoại giao Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc," Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Trong suốt 70 năm phụng sự đất nước, ngoại giao Việt Nam không những đạt được thành tựu to lớn, mà còn xây đắp nên truyền thống quý báu, vẻ vang của ngành. Trước hết và nổi bật nhất là truyền thống luôn trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc. Toàn ngành ngoại giao luôn nhận thức rõ và xác định, trung thành với Đảng, với lợi ích dân tộc là nguyên tắc, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, bất kể hoạt động đó diễn ra trong hoàn cảnh và điều kiện nào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngành Ngoại giao luôn nỗ lực hết mình, thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.”

Có thể nói từ khi ra đời đến nay, ngành ngoại giao luôn đồng hành, góp phần quan trọng vào những thành công, bước phát triển của cả dân tộc. Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, các chủ trương, đường lối đối ngoại được lãnh đạo Đảng, Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tình hình đất nước, bối cảnh khu vực và quốc tế, tất cả đều nhằm mục tiêu cao nhất là sự phát triển của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục