Nhiều động lực của ngoại giao địa phương (Paradiplomacy), chẳng hạn như tìm kiếm đầu tư trực tiếp nước ngoài, vẫn được duy trì.
Các nhân tố mới, dưới hình thức cạnh tranh chiến lược, đang xuất hiện và ảnh hưởng đến cách thức mà các chủ thể địa phương tương tác với nhau và với các quốc gia khác.
Đây là nội dung chính bài viết có tiêu đề "Strategic Competition and the Evolving role of Indo-Pacific Paradiplomacy" (Tạm dịch là "Cạnh tranh chiến lược và vai trò đang nổi của ngoại giao địa phương ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”), của Giáo sư Alan Tidwell, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia, New Zealand và Thái Bình Dương thuộc Đại học Georgetown), đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA).
Hồi tháng 10/2018, bang Victoria của Australia đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Bắc Kinh để tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Một năm sau, một thỏa thuận mới đã được ký kết, làm sâu sắc thêm sự gắn bó của Victoria với Trung Quốc.
[Quan hệ Mỹ-Australia: Sẽ "đường ai nấy đi" vì BRI?]
Các thỏa thuận đã thúc đẩy đầu tư và sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng của Victoria.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews khẳng định thỏa thuận này là có lợi cho người lao động địa phương và bày tỏ hy vọng “tất cả các bang và vùng lãnh thổ, và cả chính phủ Australia, sẽ có quan hệ đối tác và hữu nghị bền chặt với Trung Quốc."
Ngày 24/5/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dường như đã đe dọa liên minh Australia-Mỹ do các hành động của Victoria.
Ông cho rằng mặc dù không được biết các chi tiết trong thỏa thuận của Victoria, song nếu thỏa thuận giữa Victoria-Trung Quốc đe dọa an ninh của các mạng viễn thông tình báo và quốc phòng, thì Mỹ “sẽ chỉ cần ngắt kết nối.”
Ông Pompeo không phải là quan chức chính phủ duy nhất chỉ trích việc Victoria ký tham gia BRI.
Vào năm 2019, Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton đã gọi thỏa thuận này là một “quyết định vội vàng.”
Michael Shoebridge, một nhà phân tích an ninh quốc gia của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) thậm chí đã nặng nề hơn khi cho rằng việc Victoria tham gia BRI là một “dự án xác sống” (zombie project) cần được “tạm dừng và đánh giá lại một cách toàn diện.”
Ông đặt câu hỏi về vai trò của các bang trong việc theo đuổi các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là đối với Trung Quốc.
Mặc dù tồn tại sự ảnh hưởng các chủ thể địa phương trong môi trường quốc tế, song các chuyên gia vẫn tự hỏi làm thế nào Australia có thể điều phối tốt hơn các lợi ích của nhà nước và khối thịnh vượng chung.
Ví dụ, một bang như Queensland nên có chính sách đối ngoại của riêng mình, với điều kiện không làm tổn hại đến chính sách đối ngoại quốc gia.
Hôm 26/8/2020, chính phủ liên bang Australia đã công bố kế hoạch rà soát lại tất cả các hiệp định quốc tế do các bang đề xuất.
Ví dụ của bang Victoria nêu bật một trong những động lực của sự thay đổi trong môi trường chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đặc điểm đang phát triển của các mối quan hệ giữa các bang trong vùng, hay còn gọi là ngoại giao địa phương.
Các động lực mới của ngoại giao địa phương trong khu vực đang xuất hiện, chúng được xây dựng dựa trên các hình thức hoạt động địa phương hiện có.
Cạnh tranh chiến lược
Năm 2017, báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ (NSS) của chính quyền Tổng thống Trump đã coi Trung Quốc là một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại và là một đối thủ cạnh tranh chiến lược.
NSS tuyên bố Trung Quốc tìm cách “thách thức quyền lực, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ, cố làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ.”
Sau đó vào năm 2019, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Patrick Shanahan trong phần giới thiệu Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã tuyên bố rằng Trung Quốc “tìm cách sắp xếp lại khu vực để thu về lợi thế cho mình bằng cách thúc đẩy hiện đại hóa quân sự, các hoạt động gây ảnh hưởng và chính sách kinh tế bóc lột để ép buộc các quốc gia khác."
Một yếu tố trong nỗ lực tìm kiếm sự "xét lại" của Trung Quốc là BRI. Một mục tiêu đã nêu của BRI là tái xây dựng Con đường Tơ lụa, thông qua phát triển cơ sở hạ tầng (đường, cầu và cảng), được tài trợ bởi các khoản vay và viện trợ không hoàn lại từ Trung Quốc.
Mặc dù động lực ban đầu đối với BRI có thể là nhằm quản lý năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc, nhưng theo thời gian, BRI đã đóng vai trò nhiều hơn thế.
Ví dụ, một số ý kiến cho rằng BRI sẽ thu hút các quốc gia xung quanh vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc và mở rộng các lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của Bắc Kinh. Do đó, đối với một số nhà quan sát, BRI là một phần thiết yếu trong các mục tiêu xét lại của Bắc Kinh.
Một khía cạnh khác của BRI được quan tâm đặc biệt là vai trò của các chủ thể địa phương trong việc thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.
Hiệp hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC) đã khởi động một loạt các văn bản hướng dẫn vào năm 2015 để khám phá các cách thức mà ngoại giao nhân dân có thể thúc đẩy BRI.
CPAFFC là một trong số các cơ quan của Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hoạt động ảnh hưởng nước ngoài và xử lý các mối quan hệ với các thành phố kết nghĩa.
Trong những thỏa thuận này, các chính quyền địa phương trở thành những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ thiết lập và phát triển BRI của Bắc Kinh, cũng như mở rộng các mục tiêu chiến lược theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc.
Ngoại giao địa phương
Ngoại giao địa phương liên quan đến các hoạt động quốc tế của các chủ thể địa phương, chẳng hạn như tiểu bang, tỉnh, khu vực, chính quyền địa phương và thành phố.
Mối quan tâm đến các chủ thể địa phương trong hệ thống quốc tế đã sớm nhận được sự quan tâm do chiến dịch giành độc lập của Quebec và chủ nghĩa liên bang mới của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon.
Thuật ngữ ngoại giao địa phương, lần đầu tiên được nhà sử gia về ngoại giao Rohan Butler đưa ra vào năm 1961, dùng để chỉ các hoạt động quốc tế của các chính quyền địa phương hoạt động song song với quốc gia-nhà nước.
Không phải tất cả các hình thức ngoại giao địa phương đều chỉ liên quan đến mối quan hệ giữa lãnh đạo các địa phương.
Trong nhiều trường hợp, các chính quyền địa phương có thể tương tác với các quốc gia, hoặc các quốc gia có thể tìm kiếm hợp tác từ một chủ thể địa phương.
Ngoại giao địa phương từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc theo đuổi đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường và kể từ ít nhất là giữa những năm 1950, các chủ thể địa phương đã hoạt động khắp thế giới trong cuộc tìm kiếm đầy cạnh tranh về lợi nhuận và khách hàng.
Một cách mà các chủ thể địa phương tìm cách thể chế hóa các mối quan hệ là thông qua các mối quan hệ giữa các quốc gia hoặc thành phố kết nghĩa. Những mối quan hệ kết nghĩa này có thể giúp ổn định mạng lưới giao dịch và đầu tư.
Ví dụ, các bang của Australia có ít nhất 30 mối quan hệ kết nghĩa, hầu hết trong số đó là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Australia cũng có hàng trăm mối quan hệ kết nghĩa bền chặt, trong đó có 90 mối quan hệ với Trung Quốc. Quá trình hình thành các mối quan hệ như vậy phản ánh môi trường quan hệ giữa các chính phủ.
Tương lai của ngoại giao địa phương và cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tương lai của ngoại giao địa phương và cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố: hậu quả kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, các điều chỉnh và sửa đổi đối với BRI, phản ứng với các chính phủ quốc gia kém thân thiện hơn trong khu vực và các nhà lãnh đạo của các chính quyền địa phương sử dụng mô hình để nâng cao lợi ích.
Suy thoái kinh tế từ tác động của đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy tìm kiếm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thị trường.
Báo cáo về Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra những hậu quả tiềm tàng từ đại dịch COVID-19 đối với toàn cầu.
Dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 5,2% và “có khả năng để lại vết sẹo lâu dài trên nhiều khía cạnh, bao gồm đầu tư thấp hơn, xói mòn 'vốn con người' từ vấn đề thất nghiệp và các quốc gia rút khỏi các liên kết cung ứng và thương mại toàn cầu.”
Các dự báo kinh tế này là rất tồi tệ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Những dự báo này nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm kiếm FDI và tiếp cận thị trường xuất khẩu và ngoại giao địa phương sẽ tiếp tục đóng vai trò trong bối cảnh này.
Yếu tố thứ hai liên quan đến sự thích ứng trong BRI.
BRI đã được mô tả theo nhiều cách là chính sách kinh tế bóc lột, tài chính cho vay để sở hữu, ngoại giao bẫy nợ và việc sử dụng các công cụ kinh tế nhằm đạt được lợi ích địa chiến lược.
Để đáp lại những chỉ trích đó, Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp được cho là nhằm thúc đẩy ngoại giao địa phương. Hồi tháng 8/2018, Bắc Kinh đã tổ chức một hội thảo với trọng tâm chủ yếu là liên quan đến việc điều chỉnh BRI.
Chủ tịch Tập Cận Bình hô hào rằng BRI “điều chỉnh một cách có hệ thống hơn với nhu cầu của các quốc gia bản địa” và nhấn mạnh rằng các dự án phải khuyến khích “sự ủng hộ của người dân địa phương đối với BRI.”
Việc nhấn mạnh vào địa phương củng cố vai trò trung tâm của ngoại giao địa phương đối với thành công được tính toán từ trước của BRI.
Yếu tố thứ ba liên quan đến các cách thức mà Trung Quốc có thể điều khiển các chính quyền tiểu bang của Mỹ như một công cụ ứng phó với một chính phủ liên bang không thân thiện ở Washington.
Chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều thời gian để cố gắng tác động đến chính trị của các bang và địa phương thông qua các mối quan hệ giữa người dân với người dân.
Cuối cùng, ngoại giao địa phương sẽ tiếp tục được các nhà lãnh đạo địa phương sử dụng để chống lại các chính sách của chính phủ quốc gia.
Tại Australia, thủ hiến Daniel Andrews của bang Victoria đã phát biểu rằng việc ký kết BRI không chỉ tốt cho Victoria mà còn có thể thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Canberra và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, những thay đổi được đề xuất của Australia đối với cách hoạt động của chính quyền các bang trong môi trường quốc tế có thể hạn chế các chính quyền địa phương khi liên quan đến cạnh tranh chiến lược.
Tất nhiên, ở Australia, chính phủ liên bang có quyền hạn lớn trong việc hạn chế hoạt động của các bang, trong khi các biện pháp bảo vệ hiến pháp của Mỹ khiến những hạn chế đó ít xảy ra hơn.
Thực tế mà nói, những hạn chế như vậy đối với nỗ lực ngoại giao địa phương các chính quyền địa phương khi tìm kiếm FDI và cơ hội thương mại có thể ngăn cản các động lực kinh tế đang nổi lên do tác động của COVID-19.
Ngoại giao địa phương và cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giúp gắn kết chính quyền địa phương với các hoạt động quốc tế. BRI của Trung Quốc cần có sự hợp tác chặt chẽ với các chính quyền địa phương.
Tương tự, nhu cầu kinh tế cũng đưa chính quyền địa phương, tiểu bang và lãnh thổ tham gia vào môi trường quốc tế để tìm kiếm FDI và thị trường. Việc điều tiết và quản lý các mối quan hệ này sẽ thử thách quyền lập pháp và lập hiến của các quốc gia.
Trớ trêu thay, câu chuyện cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc có thể diễn ra, không phải trong các lĩnh vực cạnh tranh giữa các quốc gia, mà là từ sự hậu thuẫn của các chính quyền địa phương./.