Với mục tiêu cao nhất là giữ vững hòa bình để phát triển, chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay dựa trên nền móng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp phát triển, từ đó vận dụng sáng tạo, linh hoạt để phù hợp với điều kiện trong nước và tình hình thế giới trong thời đại mới.
Đây là khẳng định của học giả và là nhà báo kỳ cựu người Indonesia, ông Mohammah Anthony khi đánh giá về chủ trương "ngoại giao cây tre" của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta, cựu biên tập viên cao cấp của hãng thông tấn chính thức Antara nêu rõ đất nước của “Paman Ho" (tên được người dân Indonesia trân trọng dành cho Bác Hồ - nhà lãnh đạo lập quốc Việt Nam) đã thay đổi chính sách đối ngoại để trở nên cởi mở và thiết thực hơn, với yếu tố chính là các lợi ích kinh tế và chính trị của Việt Nam.
Lợi ích và mục tiêu cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam là giữ vững hòa bình để phát triển, có nghĩa là tạo lập môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho các nỗ lực đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia.
Theo ông Anthony, tư tưởng chủ đạo trong mọi hoạt động đối ngoại của Việt Nam là bảo vệ nguyên tắc độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phát huy hết sức sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với lập trường, điều kiện, tình hình cụ thể trong nước cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với từng đối tượng liên quan.
Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm “Vững vàng về nguyên tắc, linh hoạt trong cách thức tiến hành,” nhất quán về nguyên tắc chiến lược nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược của tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
[Trường phái 'ngoại giao cây tre' Việt Nam phù hợp với mọi thời đại]
Học giả Indonesia nhắc lại Việt Nam đã xây dựng một trường phái đối ngoại và ngoại giao từ thời đại Hồ Chí Minh, với những đặc tính của cây tre Việt Nam: rễ bền, thân cứng cáp, cành dẻo.
Là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những nội dung cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của cha ông, và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới; kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.
Ông Anthony cho biết Việt Nam những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và đang trong quá trình trở thành một quốc gia chú trọng phát triển bền vững.
Những thành tựu to lớn của công cuộc Đổi mới bắt đầu năm 1986 đưa Việt Nam từ một đất nước kém phát triển với 90% dân số làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trở thành một trong những cường quốc kinh tế năng động bật nhất châu Á.
Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng bị cô lập về chính trị và kinh tế để phát triển quan hệ đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, khu vực và đa phương...
Đánh giá về mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Indonesia, nhà báo Anthony cho rằng hai nước có nhiều điểm chung về lịch sử, văn hóa, con người và cả hai đều giành được độc lập thông qua đấu tranh.
Quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, cùng nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước đặt nền móng xây dựng, gìn giữ, đã và đang phát triển ổn định, sâu sắc và gắn kết trên nhiều lĩnh vực.
Bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nước diễn ra vào tháng 6/2013, khi hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Đối tác Chiến lược. Đây là kết quả nỗ lực của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam và Indonesia, khẳng định vị thế của hai nước trên trường khu vực và quốc tế.
Năm 2023, Việt Nam-Indonesia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao, chính trị, kinh tế, đến văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân.
Ông Anthony nhấn mạnh rằng không khó để nhận thấy sự hợp tác đa dạng giữa Việt Nam và Indonesia trên mọi lĩnh vực và hình thái quan hệ nồng ấm giữa hai bên. Hai nước đã dựa vào các nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của mình, nhất quán ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, các nhà lãnh đạo tiếp theo của hai nước đã củng cố mối quan hệ sẵn có thông qua các cuộc gặp cấp cao trực tiếp luân phiên được tổ chức tại Hà Nội và Jakarta.
Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam là biểu hiện của chủ trương thực hiện đường lối chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế./.