Đăng quang ngôi vị Hoa hậu thế giới người Việt năm 2007, cuộc sống của hoa hậu Ngô Phương Lan không có quá nhiều thay đổi. Giữa chốn showbiz đầy cám dỗ và thị phi, cô vẫn đi về bình lặng, giản dị như chưa từng đội bất kỳ chiếc vương miện nhan sắc nào. Nhìn Lan, người ta vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tị với nhan sắc, trí tuệ và cả hạnh phúc mà cô đang có.
Nhưng cuộc sống có những khúc quanh không ngờ. Ở tuổi 29, Ngô Phương Lan đã trải qua một biến cố lớn. Để bắt đầu câu chuyện, cô đã mượn truyện ngắn vỏn vẹn sáu từ của nhà văn Ernest Hemingway: “Rao bán: giày trẻ sơ sinh. Chưa sử dụng.”
''Tôi được đưa đến bệnh viện cấp cứu vào một buổi tối tháng Tám sau những cơn đau bụng dữ dội. Khoảng thời gian sau đó thật đáng sợ. Năm đêm nằm trong bệnh viện là thời gian đáng sợ nhất tôi từng trải qua, bệnh viện không cho người thân ở lại qua đêm, nên người tôi cần nhất khi ấy là chồng mình thì lại không thể ở bên. Cơ thể tôi còn mệt mỏi sau phẫu thuật và tinh thần rất yếu đuối, phòng tôi nằm ngay cạnh phòng sinh, tiếng khóc của trẻ sơ sinh với tôi thật ám ảnh dù nỗi đau khi ấy chưa kịp thành hình. Bốn ngày năm đêm ấy, tôi hay rùng mình và không thể ngủ được. Lúc đó sự quan tâm, thăm hỏi của mọi người cũng trở thành áp lực với tôi.
Tôi gắng gượng tỏ ra mạnh mẽ để mọi người yên lòng, nhưng trong lòng tôi nỗi đau ngày càng hiện ra rõ nét. Tôi ở lại Việt Nam được gia đình chăm sóc hơn một tháng rồi vợ chồng tôi quay lại Hong Kong để tiếp tục cuộc sống. Đó là thời gian tôi muốn tập trung để tự trị liệu cho mình lành lặn. Tôi nghỉ ngơi, đọc sách, đi bộ trên bãi biển, chăm sóc mèo, đi khám phá những nơi mới lạ, tôi chủ động muốn trải nghiệm một mình.
Giờ nghĩ lại, tôi khó tin nổi một người tự tin như mình lúc đó đánh mất hoàn toàn niềm tin vào bản thân. Tôi dằn vặt, tự trách mình, tôi trở nên e dè, rón rén với mọi quyết định như thể niềm tin đã ra đi từ khi tôi biết mình mất con. Cảm giác hoang mang, lo âu thường xâm chiếm, dù đó chỉ là nỗi e dè chiếc áo mặc bị nhàu. Quá khác một tôi quyết đoán ngày trước.
Vợ chồng tôi quyết định trở lại Việt Nam về với gia đình để tìm lại cảm giác an tâm và lao vào công việc toàn thời gian để nguôi ngoai. Những cú sốc về khác biệt văn hóa, áp lực công việc cộng với nỗi lo về sức khỏe tinh thần của vợ kéo anh vào cơn trầm cảm. Anh trở thành một con người khác hoàn toàn…
[Nhà thiết kế thời trang Ly Vũ 30 - Cởi mở về "chuyện kín"]
Một thời gian hai vợ chồng tôi vô cùng căng thẳng và cảm thấy thực sự đuối sức. Anh bỏ quên những mối quan tâm hay sở thích, không muốn gặp ai, anh khác hẳn con người tôi từng biết.
Tôi động viên anh tìm đến bác sỹ tâm lý, một điều tôi thấy rất cần thiết và nên được ủng hộ là khi cảm nhận mình có dấu hiệu bế tắc nên tìm đến người có chuyên môn và đứng ngoài cuộc để không phán xét mà chỉ lắng nghe. Trút được nỗi niềm vào người mình tin tưởng cũng là khi thấy nhẹ nhõm và được giải thoát, sau hai tháng tinh thần của anh và cả tôi cải thiện rất nhiều.
Tôi nhận ra nhiều bài học cho mình, trước nhất là không ai có thể giúp mình ngoài bản thân, tôi cũng không thể giúp cho chồng mình. Những dòng nước mắt chực trào, cảm giác buốt nhói thắt tim dần được xoa dịu và chuyển thành sự tôn trọng quá khứ, chúng tôi chấp nhận những nỗi đau và cả những câu hỏi không lời đáp. Khi phải cùng đối mặt và đi qua cú sốc này, tôi và chồng có cơ hội hiểu bản thân, hiểu về nhau hơn. Dường như đã có một sự kết nối vô hình giữa chúng tôi.
Sau những tháng ngày chìm trong nước mắt, tôi tìm thấy cho mình một nghị lực phi thường để đứng lên và bước tiếp. Tôi cảm nhận tinh thần của một người mẹ đang thành hình và rõ nét bên trong mình, mạnh mẽ và quyết liệt, bao dung và thương yêu vô bờ. Vết sẹo đó đã cho tôi một cơ hội được sống đến tận cùng.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định chia sẻ câu chuyện của mình, bởi trong quá trình hàn gắn vết thương, tôi thấy mình cần được lắng nghe và thông cảm. Người Anh có câu 'The truth will set you free' (Sự thật sẽ giải phóng bạn). Khi chia sẻ tôi thấy như trút đi được một phần gánh nặng của nỗi đau ngàn ký. Nói ra không phải để người đối diện tội nghiệp cho tôi, và cũng không để họ nghĩ tôi dũng cảm hay nghị lực… mà đơn giản chỉ để có người lắng nghe và thông cảm, giúp tôi trong quá trình hàn gắn vết thương bằng cách của mình.
Nhiều phụ nữ nói với tôi, họ đã rất cảm động và được an ủi khi thấy tôi chia sẻ vì họ không còn cảm thấy lẻ loi trong sự tuyệt vọng của riêng mình nữa. Khi biết được câu chuyện của mình đã có tác động tích cực cho nhiều người, tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Như lời khuyên tôi thấy rất chính xác - hãy luôn giữ đứa trẻ trong ta, vì đứa trẻ biết sống trong giây phút trước mắt và hưởng thụ một cách trọn vẹn. Để quay lại được trạng thái đứa trẻ thì cần phải hiểu chính mình muốn gì, muốn đi về đâu, và quan trọng nữa là biết trân trọng những gì mình có.
Bước sang tuổi 30, tôi thấy mình rũ bỏ được lớp áo bên ngoài để sống mộc mạc như một đứa trẻ, tận hưởng trọn vẹn từng giây phút trong đời./.
Bài: Bảo NgọcẢnh: Luk BaoNgoc