Ngộ độc thực phẩm ở trường Tiểu học Tiên Dương là do yếu tố vi sinh

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhận định bước đầu nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở Trường TH Tiên Dương, huyện Đông Anh là do yếu tố vi sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Tiên Dương được theo dõi sức khỏe tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, vào chiều 10/9. (Nguồn: hanoimoi)

Liên quan đến một số học sinh Trường Tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh, bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, tại buổi làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường và các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội nhận định bước đầu, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do yếu tố vi sinh.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện Đông Anh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ và tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ những trường hợp đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cũng như các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có những biện pháp xử lý kịp thời.

"Đề nghị tất cả các trường học trên địa bàn cần hết sức quan tâm đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo theo đúng yêu cầu chuyên môn," ông Nguyên Quốc Tuấn yêu cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Dương, nhà trường có 2.115 học sinh, trong đó 1.556 em học bán trú.

Trưa 9/9 vừa qua, nhà trường có tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú, đến 15 giờ chiều cùng ngày có thêm bữa phụ là sữa học đường. Tuy nhiên, đến 21 giờ cùng ngày 9/9, có một học sinh có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài và được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cấp cứu.

Sau khi được thăm khám và điều trị, học sinh này đã được bệnh viện cho về điều trị và theo dõi tại nhà. Đến sáng 10/9, có 58 học sinh vắng mặt không đến lớp, trong đó có 48 học sinh vẫn còn một số biểu hiện triệu chứng như buồn nôn, sốt và đi ngoài.

Theo ông Nguyễn Tiến Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh, sau khi nắm bắt được thông tin, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Phòng Y tế yêu cầu dừng toàn bộ bữa ăn trưa ngày 10/9 và tiến hành kiểm tra cơ sở cung cấp bữa ăn sẵn cho học sinh, lấy các mẫu thức ăn và sữa gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

[Gần 3.500 giáo viên và học sinh Nhật Bản bị ngộ độc thực phẩm]

Đồng thời, lấy mẫu phân của 5 học sinh và mẫu bàn tay của 13 nhân viên chế biến thức ăn của cơ sở cung cấp dịch vụ. Trung tâm Y tế cũng đã tiến hành phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại các phòng học và khuôn viên nhà trường.

Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đang tiếp nhận theo dõi và điều trị cho 4 học sinh Trường Tiểu học Tiên Dương. Các bệnh nhân lúc nhập viện có triệu chứng như nôn, đau bụng, sốt và đi ngoài. Hiện tại, sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định.

Tối 10/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết nhận được thông tin tại Trường Tiểu học Tiên Dương có một số học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài nghi do ngộ độc thực phẩm, Ủy ban Nhân dân huyện, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành, các phòng, ban, ngành, đơn vị chức năng của huyện khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh vụ việc.

Theo đó, hộ kinh doanh Vũ Quỳnh, địa chỉ ở số 65, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương với 13 nhân viên trực tiếp chế biến suất ăn, bữa trưa ngày 9/9; trong đó, thực đơn gồm các món: thịt kho tầu, trứng chim cút chiên, canh rau ngót, su su xào tỏi, cơm trắng.

Nguồn gốc thực phẩm như rau ngót, hành, su su, trứng chim cút… do Công ty cổ phần đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ Bảo An ở địa chỉ thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, cung cấp; thịt lợn do Công ty cổ phần CP Việt Nam; gạo do hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bốn ở địa chỉ số 172, Cao Lỗ, Uy Nỗ, cung cấp.

Kiểm tra tại cơ sở cung cấp suất ăn, cơ sở này sử dụng nguồn nước giếng khoan đã lọc để chế biến thực phẩm nhưng chưa xuất trình được xét nghiệm; thiếu lưới phòng, chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng xâm nhập. Nhà vệ sinh bố trí bên trong nhà kho.

Ngoài ra, theo chương trình sữa học đường, học sinh uống sữa vào khoảng 13 giờ 30 phút hàng ngày. Sữa được bảo quản trong phòng bảo quản của nhà trường, để các thùng sữa trên bàn cao, trong phòng có lắp điều hòa, quạt trần.

Nước uống của học sinh dùng nước đóng chai do Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và tư vấn xây dựng Minh Quang ở địa chỉ thụy Lôi, Thụy Lâm, huyện Đông Anh, cung cấp.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện Đông Anh đã yêu cầu dừng ngay bữa trưa ngày 10/9; đồng thời, yêu cầu Hộ kinh doanh Vũ Quỳnh tạm dừng toàn bộ hoạt động để kiểm tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục ngay các tồn tại trong chế biến thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục