Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, việc Mexico đạt được thỏa thuận mua ngô của Brazil đã gây sức ép lên Nhà Trắng.
Từ trước tới nay Mexico vẫn thường nhập khẩu ngô từ Mỹ, dù lượng ngô mà Mexico sẽ nhập từ Brazil không đáng kể so với tổng khối lượng mà nước này phải mua từ quốc gia láng giềng phương Bắc. Nhưng qua thỏa thuận mua ngô của Brazil, Mexico muốn gửi tới Nhà Trắng một thông điệp rất rõ ràng rằng họ có một vài “quân bài” vẫn giấu trong tay và chúng sẽ được sử dụng trước khi ngồi vào bàn đàm phán lại NAFTA.
[Chính quyền Mỹ khởi động tiến trình đàm phán lại NAFTA]
Việc đạt được thỏa thuận mua ngô giữa Mexico và Brazil chỉ diễn ra ít ngày sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer gửi thông báo chính thức tới Quốc hội nước này, đề cập đến dự kiến của chính quyền Tổng thống Trump về đàm phán lại NAFTA.
Cách đây vài tuần, khả năng Mexico nhập khẩu ngô vàng, được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, của Brazil và Argentina mới chỉ là giả thuyết, song ngay trong chuyến công du hai quốc gia Nam Mỹ hồi giữa tháng Năm của các quan chức Bộ Kinh tế Mexico, thỏa thuận đã được ký kết.
Theo Giám đốc Cơ quan dịch vụ thương mại và phát triển thị trường Nông nghiệp Mexico (ACERCA) Alejandro Vázquez, người cũng tham gia chuyến làm việc tại Nam Mỹ vừa qua của các quan chức Bộ Kinh tế Mexico, các công ty chăn nuôi nước này đã thương thuyết trực tiếp với các nhà xuất khẩu ngô Brazil, nhờ đó họ đã loại được các tập đoàn trung gian gồm Louis Dreyfus và Cargill Inc, chuyên cung cấp mặt hàng nói trên, cũng như giảm đáng kể giá nhập khẩu. Ông Vázquez cho biết ở nhiều vùng của Brazil, ngô vàng thậm chí còn rẻ hơn rất nhiều so với ở Mỹ.
Trước mắt, các doanh nghiệp Mexico sẽ nhập khẩu hai lô hàng, với 60.000 tấn ngô, chỉ đắt hơn từ 3-5 USD/tấn so với mua của Mỹ. Dự kiến, lượng nhập khẩu mặt hàng này sẽ tăng gấp 10 lần từ tháng Tám tới tháng 10, với giá không thay đổi. Năm ngoái, Mexico nhập khẩu từ Mỹ gần 13 triệu tấn ngô.
Cũng theo ông Vázquez, Mexico nhập khẩu khối lượng lớn đậu tương, lúa mỳ và bột mỳ của Mỹ, nhưng tất cả sản phẩm này có thể mua từ Nam Mỹ và châu Âu.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, là “thảm họa” cho nước Mỹ bởi thâm hụt thương mại giữa nước này với Mexico lên tới hơn 60 tỷ USD. Trong vòng 90 ngày, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer sẽ phải tham vấn, trình bày trước các nghị sỹ về quan điểm của chính quyền Mỹ khi tiến hành đàm phán lại. Quá trình này chỉ có thể khởi động sớm nhất là vào đầu tháng Tám tới.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump cam kết điều chỉnh lại các hiệp định thương mại, đồng thời coi NAFTA là nguyên nhân khiến Mỹ bị mất hàng triệu việc làm, khiến ngành chế tạo rơi vào khủng hoảng và ảnh hưởng trực tiếp đến tầng lớp trung lưu./.