Sau gần 4 năm cấp phép giống ngô biến đổi gene, người dân đã có cơ hội nâng cao thu nhập khi giống ngô mới cho năng suất trung bình cao hơn khoảng 15%, và lợi nhuận cao hơn 28% so với giống ngô thông thường.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển giống ngô chuyển gene nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững” do Hiệp hội ngành thúc đẩy ứng dụng khoa học nông nghiệp (CropLife Việt Nam) và Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật Thái Nguyên phối hợp tổ chức kết hợp chương trình thăm quan tổng kết mô hình trình diễn các giống ngô mới, vừa diễn ra sáng 19/12, tại Thái Nguyên.
Chương trình được tổ chức với mục đích cập nhật tình hình tiếp nhận các giống ngô chuyển gene (biến đổi gene) tại các địa phương. Đồng thời tạo thêm diễn đàn để cán bộ quản lý, nông dân từ các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích từ ứng dụng công nghệ lai tiên tiến trong sản xuất.
Ông Lương Văn Vượng, Chi Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngô chuyển gene đã được nông dân trong tỉnh bắt đầu áp dụng từ 2016. Đến nay, diện tích trồng ngô chuyển gene đã chiếm khoảng 10% tổng diện tích ngô hàng năm và có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới do năng suất thực thu của giống ngô biến đổi gene cao hơn hẳn so với giống ngô thường.
Cụ thể, năng suất trung bình của ngô biến đổi gene (giống NK4300 Bt/GT) đạt 7.582kg/ha trong khi đó giống ngô thường (NK4300) chỉ đạt 6.580 kg/ha, tức ngô biến đổi gene cho năng suất cao hơn 15% ngô thường.
Quan trọng hơn, việc ứng dụng giống ngô chuyển gene đã giúp giảm được nhân công và chi phí làm cỏ. Nhờ đó, lợi nhuận thu được từ việc trồng giống ngô chuyển gene là hơn 30,1 triệu đồng/ha, trong khi ngô thường chỉ hơn 22,1 triệu đồng/ha. Chênh lệch lợi nhuận giữa trồng ngô chuyển gene và ngô thường là gần 8 triệu đồng/ha.
[Nông nghiệp công nghệ cao: Doanh nghiệp Việt còn nhiều nỗi lo]
Đại diện CropLife Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 1995-2005, nhờ việc áp dụng các giống ngô lai mới và mở rộng diện tích, canh tác ngô Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục khi tổng sản lượng tăng gấp 4 lần từ hơn 1 triệu tấn/năm lên hơn 4 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, mức tăng sản lượng khoảng dưới 5% trong những năm gần đây cho thấy các giống lai truyền thống đã đạt mức tới hạn về năng suất. Trong khi đó, sản lượng ngô sản xuất trong nước dù tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nội tại. Vì thế, ngô vẫn luôn là một trong các mặt hàng nông sản được nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.
Với điều kiện diện tích đất canh tác hiện tại, theo đại diện CropLife Việt Nam, ứng dụng giống ngô thế hệ mới giúp bảo toàn năng suất, nâng cao thu nhập sẽ là giải pháp quan trọng để nông dân vẫn tiếp tục chọn ngô là cây trồng chủ lực, từ đó giúp Việt Nam giữ thế chủ động hơn khi giải quyết nhu cầu trong nước.
Báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sau gần 4 năm cấp phép, mặc dù tỷ lệ ứng dụng ngô chuyển gene tại Việt Nam chưa cao nhưng diện tích canh tác tăng mỗi năm từ 12,5 ngàn ha (năm 2015) đến khoảng 28,5 ngàn ha (năm 2018).
Ngô chuyển gene có năng suất cao hơn so với các giống ngô truyền thống, trong khi chi phí đầu tư đầu vào giảm đáng kể do giảm thuốc trừ sâu và công làm cỏ. Nhờ đó, nông dân có thể thu về lợi nhuận cao hơn 28% khi trồng các giống ngô chuyển gene so với các giống ngô thường../.
Theo thông tin từ CropLife Việt Nam, tính đến năm 2017, có 24 quốc gia cho phép canh tác cây trồng chuyển gene với tổng diện tích canh tác là 189.8 triệu ha (tăng 3% so với năm 2016), lợi nhuận tăng thêm trên mỗi ha là 102 USD (tương đương với khoảng 2,3 triệu đồng).Ngoài ra, có 43 quốc gia khác đang sử dụng cây trồng biến đổi gene làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, trong đó toàn bộ Châu Âu (EU) được tính là 1 quốc gia.