Nghiên cứu về xu hướng biểu tình bạo lực trong xã hội đương đại

Bạo lực là hệ quả của 2 sự phát triển: hành động hung hãn của cảnh sát và phe phái chính trị, trong đó các nhóm chính trị khác biệt cố gắng chiếm ưu thế trong vai trò lãnh đạo phong trào xã hội.
Nghiên cứu về xu hướng biểu tình bạo lực trong xã hội đương đại ảnh 1Biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng và thất nghiệp tại thủ đô Pretoria. (Ảnh: Trương Phi Hùng/TTXVN)

Trang Theconversation đã đăng bài phân tích của Giáo sư Adam Habib, Hiệu trưởng Đại học Witwatersrand (một trong những đại học danh tiếng nhất Nam Phi) và Giám đốc Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS) ở London - về tình trạng biểu tình bạo lực tại Nam Phi và trên thế giới.

Nội dung bài viết như sau:

Biểu tình và vận động xã hội là huyết mạch của nền dân chủ. Thông qua những phong trào này, người dân thể hiện ý chí và nguyện vọng tới giới tinh hoa chính trị giữa các cuộc bầu cử hoặc khi họ nhận thấy các thể chế nội bộ không còn hiệu lực.

Tuy nhiên, hầu hết các cuộc biểu tình không có được kết quả thay đổi bền vững.

Các cuộc biểu tình này dần kết thúc hoặc biến mất sau khi có một hoặc nhiều biện pháp cải cách khác, hoặc do đã mất đi sự ủng hộ từ người tham gia vì có xu hướng bạo lực.

Hầu hết những người biểu tình và các nhà tổ chức tham gia vào các cuộc vận động ôn hòa. Nhưng luôn có một số nhà lãnh đạo và nhà hoạt động xã hội có ý định hướng tới hành động bạo lực.

Điều này là do các cuộc biểu tình và các phong trào xã hội luôn có sự liên quan đến các cộng đồng không đồng nhất về quan điểm, phe nhóm và lãnh đạo chính trị.

Phần lớn thực trạng trên được phản ánh trong các cuộc biểu tình và vận động xã hội gần đây trên khắp thế giới.

Tất cả các phong trào như  BlackLivesMatter (Mỹ), Phong trào Dân chủ Hong Kong, Gilets Jaunes (Pháp), FeesMustFall và RhodesMustFall (Nam Phi) đều chủ yếu diễn ra trong hòa bình, nhưng đôi khi kèm theo hành động bạo lực trực tiếp.

Các nhà tổ chức biểu tình thường tỏ ra quan ngại và thể hiện không liên quan đến bạo lực.

Nhưng trong nhiều trường hợp, họ cũng bào chữa cho bạo lực, với lập luận rằng mức độ bạo lực đó chưa là gì so với hành động phản ứng của cảnh sát hoặc sự chịu đựng các nạn nhân bị áp bức và bóc lột. Điều này có thể đúng trong hầu hết các trường hợp.

Nhưng lập luận đó né tránh vấn đề chiến lược rằng bạo lực thường làm suy yếu và ảnh hưởng đến tính hợp pháp của các cuộc biểu tình, cũng như tạo cơ hội cho lực lượng cảnh sát và an ninh trấn áp các hoạt động xã hội.

Các nhà lãnh đạo biểu tình cũng thường đổ lỗi bạo lực cho tội phạm hoặc hành động hung hãn từ phía cảnh sát.

Điều này đa phần là đúng, bởi tội phạm lợi dụng các cuộc biểu tình để thực hiện các hành vi phạm tội, bao gồm cướp bóc và trộm cắp ngay khi có cơ hội.

Hơn nữa, các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự và trấn áp quá mức cần thiết của các lực lượng cảnh sát, an ninh thường có thể làm đảo ngược tình thế của các cuộc biểu tình ôn hòa và thúc đẩy các hành động bạo lực của một số người biểu tình.

Nhưng những giải thích này không thỏa đáng cho tất cả các hình thức bạo lực trong các cuộc biểu tình.

Tại sao các cuộc biểu tình ôn hòa trở thành bạo lực?

Học giả hàng đầu về các phong trào xã hội và bạo lực chính trị, bà Donatella Della Porta, cho rằng bạo lực trong các cuộc biểu tình là hệ quả của hai sự phát triển khác biệt: hành động hung hãn của cảnh sát và phe phái chính trị, trong đó các nhóm chính trị khác biệt cố gắng chiếm ưu thế trong vai trò lãnh đạo các phong trào xã hội.

Hầu hết các trí thức tiến bộ đều không phản đối ý kiến rằng các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự quá mức cần thiết có thể làm nảy sinh bạo lực trong các cuộc biểu tình.

Nhưng các nhà nghiên cứu này thường bỏ qua lời giải thích thứ hai vì kiến giải này liên quan đến sự tự phản ánh của tập thể và cuộc đối đầu chính trị với những người tham gia phong trào.

Rõ ràng, trong nhiều phong trào này, những nhà hoạt động đơn lẻ và các nhóm chính trị thể hiện quan điểm rằng hành động bạo lực là chính đáng.

Họ lợi dụng hoàn cảnh để chủ động thúc đẩy hành vi đó, như tác giả bài viết này đã giải thích chi tiết trong Chương 9 của cuốn sách “Những kẻ nổi loạn và thịnh nộ” (Rebels and Rage) xuất bản năm 2018.

Hiệp ước xã hội trong một nền dân chủ

Câu trả lời cho điều này nằm trong hiệp ước xã hội tạo nền tảng cho xã hội dân chủ.

Công dân nhường quyền sử dụng bạo lực hợp pháp cho nhà nước để đổi lấy an ninh và quyền lợi.

Giải pháp thay thế cho điều này là tất cả đều chịu quyền bạo lực hợp pháp, do đó làm cho xã hội dễ bị tổn thương bởi sự cai trị của kẻ mạnh nhất và quyền lực nhất - nhà nước.

Những nạn nhân thực sự của một môi trường như vậy là những người nghèo nhất và yếu ớt nhất trong xã hội.

Tuy nhiên, người ta sẽ làm gì nếu các phe phái chính trị hoặc các cá nhân sử dụng bạo lực trong một cuộc biểu tình ôn hòa? Đây là một trong những thách thức lớn mà các nhà lãnh đạo của các cuộc biểu tình phải đối mặt.

Nghiên cứu về xu hướng biểu tình bạo lực trong xã hội đương đại ảnh 2Người dân Nam Phi hô to khẩu hiệu phản đối và yêu cầu chấm dứt các hành động tàn bạo của lực lượng an ninh Nigeria. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Hầu hết các nhà lãnh đạo biểu tình cam kết vận động xã hội một cách hòa bình, nhưng phải đối mặt với những cá nhân hoặc phe phái chính trị vi phạm đặc tính ôn hòa của cuộc vận động - hoặc chủ động hoặc phản ứng trước hành động trấn áp của cảnh sát.

Các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình sau đó phải tham gia vào một cuộc chiến mang tính vu hồi - họ phải giải thích lý do tại sao có bạo lực đi kèm với cuộc biểu tình, mặc dù trước đó đã cam kết vận động xã hội một cách hòa bình.

Chắc chắn những lý giải các nhà lãnh đạo biểu tình đưa ra là không thuyết phục hoặc trùng lặp hoặc để bào chữa cho bạo lực.

Tất nhiên những người thực hiện hành động bạo lực trực tiếp đều nhận thức được sự miễn cưỡng này của các nhà lãnh đạo biểu tình để xác định chủ thể của hành vi bạo lực.

Hầu hết các nhà lãnh đạo biểu tình sẽ không xác định được thủ phạm của bạo lực bởi họ không muốn bị coi là tiếp tay cho chính quyền.

Chủ thể của bạo lực sau đó có thể hành xử theo cách rõ ràng là bất chấp các nguyên tắc cơ bản của cuộc biểu tình mà không cần phải sợ bất kỳ hình phạt nào. Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng khó xử này là thay đổi các quy tắc.

Các nhà lãnh đạo biểu tình phải dứt khoát loại bỏ cả các phe phái chính trị hoặc các cá nhân có hành động bạo lực xã hội. Hoặc các nhà lãnh đạo biểu tình phải tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ xác định những người vi phạm nguyên tắc bất bạo động được coi là nguyên tắc chỉ đạo của cuộc biểu tình.

Thể hiện năng lực lãnh đạo

Lãnh đạo chính trị đòi hỏi những lựa chọn khó khăn. Đôi khi đó cũng là yêu cầu đối với các nhà lãnh đạo các phong trào xã hội. Điều này đặc biệt đúng khi các hành vi bạo lực của cá nhân có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc biểu tình.

Các nhà lãnh đạo biểu tình có quyền lựa chọn: hoặc cho phép các hành động bạo lực và do đó, chơi theo một kịch bản chính trị không phải do họ tự tạo ra, hoặc các nhà tổ chức này hành động theo cách giữ cho sự vận động xã hội đi theo con đường mà họ đã chọn một cách rõ ràng.

Điều này đặc biệt quan trọng vì con đường thay thế sẽ không chỉ làm mất đi tính hợp pháp rộng rãi của cuộc biểu tình, mà còn gây ra những phản ứng có thể làm suy yếu cuộc biểu tình và tính bền vững của kết quả công bằng xã hội.

Do đó, lựa chọn kích hoạt hoặc kiềm chế bạo lực chính trị này là thách thức chiến lược trọng tâm đối đầu với giới lãnh đạo chính trị của các cuộc biểu tình đương thời cả ở Nam Phi và trên toàn thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục