Rác thải nhựa được tìm thấy ở Bắc Cực có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, đó là kết quả nghiên cứu do Viện Alfred Wegener của Đức, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Cực Helmholtz, công bố ngày 7/2.
Theo nghiên cứu trên, có tới 1/3 số rác thải nhựa vẫn còn các dấu hiệu hoặc nhãn mác đến từ châu Âu, trong đó rác thải từ Đức chiếm 8%.
Chuyên gia Melanie Bergmann thuộc viện trên cho biết: “Kết quả của chúng tôi nhấn mạnh rằng ngay cả các quốc gia công nghiệp phát triển thịnh vượng, có khả năng quản lý rác thải tốt hơn những quốc gia khác, cũng góp phần đáng kể vào sự ô nhiễm của các hệ sinh thái xa xôi như Bắc Cực.”
Trong nghiên cứu trên, khách du lịch từ Đức đã phối hợp cùng các nhà điều hành tour du lịch Bắc Cực, thu gom rác dạt vào bờ biển của quần đảo Svalbard của Na Uy. Từ năm 2016 đến 2021, đã có khoảng 23.000 món đồ là rác thải, với tổng trọng lượng 1.620kg đã được vớt lên.
[Phương pháp tự nhiên để loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa trong hồ nước]
Theo các nhà khoa học, có khoảng 5% số rác thải nhựa được tìm thấy ở Bắc Cực có nguồn gốc từ những địa điểm cách xa nơi này, như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil.
Viện Alfred Wegener nêu rõ: "Các mảnh vụn từ nhựa là vấn đề toàn cầu mà ngay cả vùng hoang dã không có người ở cũng không tránh khỏi."
Nghiên cứu cho thấy món đồ "cổ" nhất được tìm thấy tại Bắc Cực trong thời gian trên là một mảnh chai nhựa từ Na Uy, được sản xuất vào những năm 1960.
Trong khi món đồ "hiện đại" nhất là một chiếc giày từ Đức, được sản xuất trong khoảng năm 2012-2013. Chuyên gia Anna Natalie Meyer cho biết: “Các mảnh nhựa vụn và hạt vi nhựa được đưa tới Bắc Băng Dương từ Đại Tây Dương, Biển Bắc và Bắc Thái Bình Dương thông qua những dòng sông và hải lưu.”
Theo ước tính của Liên hợp quốc, đến năm 2050, lượng nhựa ở biển có thể nhiều hơn cả cá. Liên hợp quốc hiện đang nỗ lực đàm phán một thỏa thuận ràng buộc toàn cầu để kiểm soát ô nhiễm nhựa.
Trong phát biểu hồi cuối tháng trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Hóa chất độc hại và hàng triệu tấn rác thải nhựa đang tràn vào các hệ sinh thái ven biển, giết chết hoặc làm bị thương cá, rùa biển, chim biển và động vật có vú ở biển, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và chúng ta là điểm tiêu thụ cuối cùng."./.