Nghiên cứu về cơ chế lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19

Những phát hiện mới được đăng trên Tạp chí Y học New England số ra ngày 19/2 đã đưa ra bằng chứng mới cho thấy chủng virus gây COVID-19 không giống các chủng corona họ hàng.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hãng tin Reuters, các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu bệnh phẩm ở mũi và họng từ 18 bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho rằng virus này lây giống cúm hơn nhiều so với các chủng virus liên quan khác.

Có ít nhất một trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 mà hoàn toàn không có triệu chứng bệnh. Điều này làm dấy lên lo ngại bệnh có thể lây từ những người không có triệu chứng nhiễm bệnh.

Những phát hiện trên được đăng trên Tạp chí Y học New England số ra ngày 19/2, và mặc dù mới chỉ là nghiên cứu sơ bộ, song đã đưa ra bằng chứng mới cho thấy chủng virus gây COVID-19 không giống các chủng corona họ hàng.

Theo bác sỹ Poland, một nhà nghiên cứu về virus và vắcxin tại cơ sở y tế Mayo ở Rochester, bang Minesota, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nếu được xác nhận, đây sẽ là phát hiện rất quan trọng.

[Đột phá trong vẽ bản đồ phân tử dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19]

Không giống SARS gây nhiễm trùng sâu đường hô hấp dưới có thể dẫn tới viêm phổi, COVID-19 có thể cư trú ở cả đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Điều này khiến nó không chỉ gây viêm phổi nặng mà có thể lây lan dễ dàng như cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Các nhà nghiên cứu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã tiến hành theo dõi số lượng virus gây COVID-19 ở 18 bệnh nhân và nhận thấy rằng một trong số họ, người có số virus ở mức vừa phải trong mũi và họng, không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào.

Trong số 17 bệnh nhân có triệu chứng bệnh, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy mức độ virus tăng lên ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện lần đầu, với số lượng virus có trong mũi nhiều hơn trong họng - hiện tượng giống cúm hơn SARS.

Mức độ virus ở bệnh nhân không có triệu chứng nói trên tương tự ở các bệnh nhân có triệu chứng như sốt.

Bác sỹ Kristian Andersen, nhà miễn dịch học tại trung tâm nghiên cứu Scripps tại La Jolla, California, người đã dùng các công cụ giải mã bộ gene để theo dõi sự bùng phát của dịch bệnh, cho rằng các phát hiện mới này bổ sung bằng chứng cho thấy virus COVID-19, mặc dù tương tự về mặt di truyền, song hoạt động không giống virus SARS và có thể có khả năng lây lan hơn bất kỳ chủng virus Corona mới nào mà giới khoa học từng biết.

Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng trong kiểm soát COVID-19 sẽ cần một cách tiếp cận khác với cách tiếp cận đối với dịch SARS trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục